Từ tháng 10/2024, Indonesia cấm bán iPhone 16 với lý do sản phẩm không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa 40%. Bộ Công nghiệp Indonesia đã từ chối cấp phép vì Apple chưa đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ linh kiện nội địa và nhân công địa phương.
Ban đầu, Apple đề xuất đầu tư 10 triệu USD vào một nhà máy sản xuất linh kiện tại Indonesia, sau đó tăng lên 100 triệu USD, nhưng đều bị từ chối. Chính phủ cho rằng các đề xuất này không đáp ứng nguyên tắc công bằng. "Nếu Apple hưởng lợi từ thị trường Indonesia, họ cần đầu tư và tạo việc làm tại đây," ông Roeslani nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia sẽ gặp gỡ đại diện Apple trong tuần tới để nhận thư cam kết đầu tư bằng văn bản. Khoản đầu tư 1 tỷ USD này được kỳ vọng không chỉ giúp Apple lấy lại quyền bán iPhone 16 mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, Indonesia cũng đang cân nhắc sửa đổi quy định nội địa hóa, có thể tăng ngưỡng yêu cầu hoặc đánh giá lại các yếu tố như nghiên cứu và phát triển (R&D). Mục tiêu là thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
Indonesia, với dân số khoảng 280 triệu người, được đánh giá là thị trường tiềm năng lớn đối với Apple nhờ lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Theo chính phủ, số điện thoại di động đang hoạt động tại đây lên tới hơn 350 triệu chiếc, vượt xa dân số.
Tuy nhiên, lệnh cấm bán iPhone 16 đã gây tranh cãi trong nước. Một số người dùng cho rằng quy định nội địa hóa quá khắt khe cản trở việc tiếp cận công nghệ, buộc họ phải mua iPhone 16 từ thị trường Singapore hoặc Malaysia với giá cao hơn.
Trong khi Indonesia đang thúc đẩy sản xuất nội địa, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn của Apple tại Đông Nam Á. Hiện Apple thông qua các đối tác vận hành 35 cơ sở tại Việt Nam, vượt xa các quốc gia khác trong khu vực.
Theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook, và 65% AirPods trên toàn cầu.