APPF-26 tập trung thảo luận về kinh tế và thương mại

Hội nghị APPF-26 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18 đến 21/1/2018, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về tầm quan trọng của sự kiện này.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước, “Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Quốc hội Việt Nam đã thể hiện vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm ra sao?

Ngay từ ngày đầu thành lập, Quốc hội đã có chủ trương mở rộng hoạt động ngoại giao trên cả bình diện song phương và các diễn đàn đa phương để vận động phong trào quốc tế ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã gia nhập IPU (Liên minh Nghị viện thế giới), APA (Hội đồng Nghị viện châu Á), AIPA (Hội đồng Liên nghị viện ASEAN) và tham gia nhiều cơ chế hợp tác liên nghị viện khác như APPF, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP); Liên minh Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPU)…

 

Tại các Kỳ họp Đại hội đồng IPU, AIPA, APA cũng như tại các diễn đàn, các đại biểu Quốc hội nước ta đã thảo luận nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, những thách thức ảnh hưởng tới hòa bình, phát triển và dân chủ trên toàn thế giới. Đại biểu Quốc hội Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia quá trình soạn thảo, đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề lớn của khu vực và thế giới. Thông qua hoạt động này, Quốc hội Việt Nam từng bước thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một quốc gia thành viên tích cực trước cộng đồng quốc tế.

Kể từ khi là thành viên của APPF, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực các hoạt động của Diễn đàn, đặc biệt là đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-13 vào tháng 1/2005. Việc Quốc hội đăng cai tổ chức Hội nghị APPF- 26 tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong APPF, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm.

Thưa ông, kết quả tổ chức Hội nghị APPF-13 thế nào?

APPF-13 thể hiện quyết tâm và cố gắng của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc tích cực hội nhập khu vực và quốc tế, chủ động tham gia các quyết định quan trọng của khu vực và thế giới. Đồng thời, đây là một đóng góp tích cực của Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nghị viện, thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ và thế chủ động của Việt Nam trong thực hiện chính sách đối ngoại tích cực. 

Với tư cách là chủ nhà APPF-13, Việt Nam đóng vai trò là cầu nối giữa các nước và các tổ chức trong khu vực phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tổ chức, chỉ đạo, điều phối hội nghị trên tinh thần dân chủ và chủ động đề xuất sáng kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới.

Thành công của APPF-13 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần thiết lập hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, tại APPF-13, Việt Nam đã đề xuất về hợp tác vượt qua thảm họa động đất và sóng thần đã được các nước tham dự hội nghị ủng hộ. Ðây là hành động kịp thời thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của các nước thành viên APPF với các nước chịu thảm họa.

Kết thúc Hội nghị APPF-13, các đại biểu tham dự đánh giá rất cao vai trò của nước chủ nhà và tin tưởng thành công của APPF-13 góp phần đưa APPF thực sự trở thành một diễn đàn hỗ trợ trực tiếp cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực.

Với APPF-26, đến thời điểm này, Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, kinh nghiệm trong công tác tổ chức APPF-13 cũng như nhiều sự kiện quốc tế lớn của Quốc hội Việt Nam thời gian qua, Quốc hội đang gấp rút triển khai các công việc chuẩn bị cho APPF- 26. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành theo đúng yêu cầu, tiến độ của Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26, bảo đảm sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, hứa hẹn có thêm một hội nghị thành công, ghi dấu ấn của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được thông tin đăng ký tham dự của 21 đoàn, 290 khách quốc tế cùng 280 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

“Kinh tế và thương mại” là một trong 4 chủ đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị APPF-26. Vì sao lại lựa chọn chủ đề này để thảo luận trong khi kinh tế và thương mại không phải là vấn đề nóng hiện nay?

Mặc dù kinh tế và thương mại thế giới đã phục hồi, nhưng chưa chắc chắn và phát triển không đồng đều. Do đó, cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện là ưu tiên hàng đầu của các cơ chế hợp tác quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm củng cố hệ thống thương mại đa phương thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn. Tại phiên họp này, các nghị sỹ sẽ cho ý kiến vào phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… 

Tại Hội nghị APPF-26, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”. Các đại biểu sẽ trình bày kinh nghiệm trong hoạt động của nghị viện nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các hiệp định thương mại tự do cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Mạnh Bôn ​
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục