TTCK khi đó đã bật tăng mạnh và tăng liên tục, được tiếp sức từ kỳ vọng của nhiều chủ thể, đặc biệt là kỳ vọng vào tương lai kinh tế Việt Nam khi gia nhập WTO ngay sau sự kiện này.
APEC 2017 đề ra 4 lĩnh vực ưu tiên gắn với chủ đề năm nay “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, các hoạt động của APEC năm nay phải tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và nâng liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, khẳng định là Diễn đàn vì người dân và vì doanh nghiệp.
“APEC cần có thêm xung lực cho tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính - xã hội, tăng cường kết nối, phát triển chuỗi các giá trị toàn cầu, hợp tác trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới…”, Phó Thủ tướng nói.
Hội nghị các bộ trưởng tài chính APEC tháng 10 vừa qua cũng thống nhất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác 2017 gồm: Ðầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; tài chính vào bảo hiểm rủi ro thiên tai; tài chính bao trùm.
Trong quá khứ, VN-Index đã bật tăng mạnh mẽ từ sự kiện APEC 2006, tăng một mạch trên 100% sau 4 tháng, lên mức 1.170,6 điểm vào ngày 12/3/2007 - mức điểm cao nhất trong lịch sử của TTCK Việt Nam.
Năm nay, đón APEC 2017 khác với năm 2006. Khối các tổ chức tài chính trung gian, nhà quản lý đang dõi theo sự kiện lớn của đất nước - APEC 2017 với cái nhìn… dài hạn. Thiếu các báo cáo đánh giá tác động của APEC đến thị trường vốn, đến dòng vốn ngoại, giao dịch trên TTCK có tăng nhẹ và khó có thể đột biến như từng diễn ra quanh sự kiện APEC cách đây 11 năm.
Cũng cần nói thêm rằng, quy mô TTCK Việt Nam hiện nay đã khác. Với vốn hóa thị trường đạt trên 124 tỷ USD và đang tăng mạnh theo đà lên sàn của nhiều DN lớn, trong khi cuối năm 2006, toàn thị trường có vốn hóa chưa đầy 13 tỷ USD.
Quy mô lớn và có 25 DN có vốn hóa trên mức 1 tỷ USD (năm 2006 chỉ có 1 DN vốn hóa trên 1 tỷ USD), các dòng vốn mới đến Việt Nam, nếu có, cũng rất khó để tạo nên kỷ lục mới về tăng điểm của chỉ số.
Ðể TTCK tăng trưởng và bền vững, như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng mới đây, cần có sự hợp sức của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp song hành với những nỗ lực minh bạch theo chuẩn mực quốc tế và kinh doanh hiệu quả của các DN trên sàn.
Trải qua những thăng trầm của quá khứ, điểm ưu tiên trong điều hành TTCK của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy tính bền vững và độ sâu của thị trường với kỳ vọng, đà tăng của TTCK sẽ phản ánh đúng sức khỏe của các DN và nền kinh tế Việt Nam.