Apax Holdings (IBC): Thách thức chuỗi giáo dục lớn trong điều kiện đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhiều năm trở lại đây, ở Việt Nam nở rộ xu hướng phát triển chuỗi từ bán lẻ, siêu thị, cà phê, trà sữa… trong cả nước, thậm chí lĩnh vực giáo dục cũng xuất hiện doanh nghiệp phát triển chuỗi và niêm yết trên sàn như CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã chứng khoán IBC - sàn HOSE).
Apax Holdings có tổng ngắn hạn và dài hạn là 1.427,8 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng tài sản của doanh nghiệp (ảnh minh hoạ) Apax Holdings có tổng ngắn hạn và dài hạn là 1.427,8 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng tài sản của doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Mặc dù chỉ mới được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ khiêm tốn là 3 tỷ đồng, nhưng Apax Holdings đã liên tục tăng vốn điều lệ và tính tới 31/3/2021 vốn điều lệ là 815 tỷ đồng, gấp 271,7 lần trong vòng hơn 9 năm.

Được biết, việc tăng vốn của Apax Holdings chỉ thực hiện chủ yếu trước thời điểm niêm yết trên HOSE là ngày 15/12/2017. Trước thời điểm niêm yết trên HOSE, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 689 tỷ đồng, gấp 229,7 lần so với thời điểm thành lập.

Như vậy, Apax Holdings đã đẩy mạnh tăng vốn trước thời điểm lên sàn và sau khi niêm yết, hoạt động tăng vốn có dấu hiệu chậm lại.

Quá trình tăng vốn thần tốc của IBC

Quá trình tăng vốn thần tốc của IBC

Đẩy mạnh mở chuỗi giáo dục

Apax Holdings được thành lập năm 2012, tiền thân là CTCP Đầu tư VN Benchmark, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư và thương mại. Tới tháng 5/2015 mới bắt đầu mở trung tâm Apax English đầu tiên và sau đó liên tục mở thêm các chuỗi trung tâm mới.

Số chuỗi trung tâm giáo dục của IBC qua các năm

Số chuỗi trung tâm giáo dục của IBC qua các năm

Trong các chuỗi trung tâm đang phát triển, chuỗi Apax Leaders và Chuỗi mầm non STEAe Garten đang là chuỗi có nhiều trung tâm nhất của doanh nghiệp và là trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong những năm trở lại đây.

Tính tới 31/12/2020, Apax Holdings đã có 125 trung tâm Apax Leaders, 16 trung tâm mầm non STEAe Garten và 7 trung tâm Englishnow.

Càng đẩy mạnh mở chuỗi giáo dục, lợi nhuận càng suy giảm

Trái với kỳ vọng gia tăng sự phủ sóng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều khách hàng và gia tăng lợi nhuận như cách các chuỗi bán lẻ, siêu thị, cà phê… đã thành công, mô hình phát triển chuỗi của Apax Holdings đang cho thấy tốc độ tăng doanh thu nhưng chi phí không ngừng tăng cao hơn dẫn tới lợi nhuận suy giảm.

Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, năm 2019, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp đã giảm 8,8% về 120,4 tỷ đồng và tiếp tục giảm 48% về 62,6 tỷ đồng trong năm 2020.

Biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính suy giảm theo thời gian của IBC

Biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính suy giảm theo thời gian của IBC

Xét trong giai đoạn 2017 tới quý I/2021, biên lợi nhuận gộp đã giảm từ 53,1% về chỉ còn 30,8%, tức giảm 22,3 điểm phần trăm; biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính giảm từ 16,5% về còn 4,9%, tương ứng giảm 11,6 điểm phần trăm.

Với việc biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính liên tục giảm đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả kinh doanh khi doanh nghiệp ngày một suy giảm mặc dù liên tục mở rộng thêm độ phủ sóng với nhiều trung tâm hơn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này trái ngược với kỳ vọng các doanh nghiệp mở chuỗi bán lẻ khi mở thêm cửa hàng giúp gia tăng độ phủ sóng và các cửa hàng đi qua điểm hòa vốn thì bắt đầu gia tăng thêm hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, trong năm 2020, doanh nghiệp đã phải giảm 5 trung tâm Apax Leaders, từ 130 trung tâm về còn 125 trung tâm do chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 dẫn tới gián đoạn trong việc dạy, học tại các trung tâm anh ngữ.

Bước sang năm 2021, tình hình dịch vẫn có dấu hiệu phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động tại các trung tâm.

Hiện tại, Apax Holdings đang đối mặt với hai chi phí cố định là gánh nặng chi phí thuê mặt bằng tại toàn bộ cơ sở giáo dục đang thuê; áp lực chi phí lãi vay liên quan tới tổng nợ ngắn hạn và dài hạn là 1.427,8 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng tài sản của doanh nghiệp. Được biết, năm 2017 tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn chỉ 204,6 tỷ đồng, chiếm gần 11% tổng nguồn vốn.

Ngoài ra, áp lực duy trì thu nhập để giữ chân đội ngũ giảng dạy tại trung tâm đang là bài toán lớn đối với doanh nghiệp khi chịu tác động của dịch.

Ghi nhận lợi nhuận tập trung trước khi niêm yết và chịu áp lực chi phí

Trước thời điểm niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp đã thực hiện việc gia tăng sở hữu từ 34% lên 68,91% tại CTCP Anh ngữ Apax để chuyển từ công ty liên kết sang công ty con và có xuất hiện lợi thế thương mại 540,9 tỷ đồng.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp cho biết, sẽ khấu hao lợi thế thương mại trong 10 năm, điều này đồng nghĩa mặc dù đánh giá lại giá trị tài sản khi chuyển từ công ty liên kết sang công ty con có doanh thu tài chính đột biến năm 2015 là 121,1 tỷ đồng, doanh nghiệp giải thích chủ yếu do 99,1 tỷ đồng từ đánh giá lại giá gốc khoản đầu tư tại CTCP Anh ngữ Apax.

Hiện tại, doanh nghiệp mới khấu hao hơn 4 năm và sẽ còn gần 6 năm để tiếp tục khấu hao.

Quá trình tăng sở hữu công ty liên kết để tạo lợi nhuận đột biến và ghi nhận lợi thế thương mại

Quá trình tăng sở hữu công ty liên kết để tạo lợi nhuận đột biến và ghi nhận lợi thế thương mại

Cách làm của Apax Holdings có sự khác biệt nhất định về cách phát triển chuỗi. Trên sàn HOSE, hiện nay có nhiều doanh nghiệp thành công với việc phát triển chuỗi như Thế giới di Động (MWG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khi cả hai phát triển chuỗi mới đều thực hiện sở hữu chi phối ngay từ đầu và chiếm gần như 100% tại chuỗi mới.

Tại PNJ, doanh nghiệp có 4 công ty con đều sở hữu 100% vốn từ ngày đầu thành lập gồm Công ty TNHH MTV Thời trang Cao (CAF); Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL); Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ (PNJP); và Công ty TNHH MTV Kỷ Nguyên Khách Hàng (CECL).

Tương tự như vậy, tại MWG, doanh nghiệp sở hữu CTCP Thế Giới Di Đông 99,95%; CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh sở hữu 99,95%; MWG (Cambodia) Co., Ltd sở hữu 99,95%…

Với việc sở hữu 100% vốn ngày từ thời điểm thành lập, điều này sẽ tránh được xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông cũng như rủi ro chuyển giá sang các công ty thành viên.

Trong quá khứ, đơn cử là xung đột giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông sáng lập tại CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) trước đây khi doanh nghiệp liên tục thành lập các công ty liên doanh cùng ngành nghề với CTD và sau đó hợp nhất về công ty mẹ dẫn tới tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông ngoại liên tục suy giảm. Xung đột lên đỉnh điểm và cuối cùng nhóm cổ đông sáng lập phải ra đi.

Có thể thấy, với diễn biến dịch hiện tại đang diễn biến phức tạp, điều này tiếp tục gây thách thức đối với hoạt động kinh doanh sau một giai đoạn đẩy mạnh mở rộng bằng việc gia tăng nợ vay tài trợ cho hoạt động mở rộng, sẽ gây áp lực chi phí tài chính và thuê mặt bằng lên những báo cáo lợi nhuận trong các kỳ tiếp theo.

Ngoài ra, với việc ghi nhận quá nhiều lợi nhuận nhờ tăng sở hữu để chuyển công ty liên kết thành công ty con, sẽ vô hình trung tạo chi phí cố định lên các kỳ báo cáo tiếp theo và gia tăng áp lực lên lợi nhuận.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục