Phốt pho Apatit Việt Nam đăng ký giao dịch cổ phiếu PAT trên UPCoM từ ngày 17/6/2022, với giá tham chiếu 120.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi đạt đỉnh 155.970 đồng/cổ phiếu ngày 23/6/2022 (giá đã điều chỉnh cổ tức), cổ phiếu PAT liên tục giảm giá, rồi đi ngang trong nhiều tháng qua, hiện dao động quanh mức 86.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu PAT sớm “quay xe” trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh, đồng thời triển vọng kinh doanh của Phốt pho Apatit Việt Nam đi xuống. Thực tế cho thấy, quý I/2022, Công ty đạt 348,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng quý tiếp theo chỉ đạt 226 tỷ đồng và đến quý II/2024 chỉ còn 55,7 tỷ đồng. Xét theo năm, nếu như năm 2022, Phốt pho Apatit Việt Nam đạt doanh thu 3.150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 963 tỷ đồng, thì năm 2023 ghi nhận 1.711 tỷ đồng doanh thu và 286 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 45,7% và 70,4%.
Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 666,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 116,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,7% và 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Quý III/2024, Phốt pho Apatit Việt Nam dự kiến đạt doanh thu 375,75 tỷ đồng, giảm 18,7% và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phốt pho Apatit Việt Nam được thành lập ngày 13/1/2014 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập góp 142,5 tỷ đồng, chiếm 95% và 8 cổ đông khác góp 7,5 tỷ đồng, chiếm 5%. Đến nay, Công ty có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 43 cổ đông hiện hữu.
Tính tới 30/6/2024, Phốt pho Apatit Việt Nam có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang - Lào Cai sở hữu 51% vốn điều lệ, ông Đào Hữu Duy Anh sở hữu 9,03% vốn điều lệ, ông Đào Hữu Huyền sở hữu 7,69% vốn điều lệ.
Ông Đào Hữu Huyền là Chủ tịch Hội đồng quản trị Phốt pho Apatit Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC); còn ông Đào Hữu Duy Anh là thành viên Hội đồng quản trị Phốt pho Apatit Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Đức Giang.
Trong khi đó, Hoá chất Đức Giang - Lào Cai là công ty con của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang. Như vậy, Apatit Phốt pho Việt Nam là công ty “cháu” của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, một doanh nghiệp có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước.
Hoạt động chủ yếu của Phốt pho Apatit Việt Nam là sản xuất phốt pho vàng (P4), sản phẩm được dùng để sản xuất phốt pho đỏ, axit photphoric, photpho triclorua, photpho oxytriclorua, photphopentoxit và photpho pentasunfua; sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu gốc photpho hữu cơ.
Mặc dù thành lập từ năm 2014, nhưng tới cuối quý III/2018, Phốt pho Apatit Việt Nam mới có dây chuyền sản xuất vận hành thương mại và bắt đầu mang lại doanh thu. Giai đoạn 2018 - 2022, hơn 90% doanh thu của Công ty đến từ sản phẩm phốt pho vàng.
Về giá phốt pho vàng, sau khi đạt đỉnh 39.561 CNY/tấn vào tháng 5/2022, giá sản phẩm này trên thế giới liên tục điều chỉnh, tính tới ngày 6/8/2024 giảm 41,9%, xuống 22.966,67 CNY/tấn. Riêng nửa đầu năm 2024, tại khu vực Bắc Mỹ, giá phốt pho vàng có diễn biến giảm do nhu cầu yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; khu vực châu Âu cũng vậy, bởi thời tiết khắc nghiệt khiến nông dân trì hoãn kế hoạch đầu tư phân bón. Ngược lại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận giá hồi phục do một số nhà sản xuất lớn của Trung Quốc tạm dừng sản xuất liên quan tới động đất và lũ lụt ở tỉnh Hồ Bắc.
Nhìn chung, việc giá phốt pho vàng điều chỉnh đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoá chất với dòng sản phẩm chính là phốt pho vàng.
Ngay tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền đã thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.037 tỷ đồng với phần đóng góp quan trọng của Apatit Việt Nam, tăng 140,2% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào thì Tập đoàn mới có thể quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.