Kỳ vọng của G7
Ngày 2/9/2022, quyết định đặt mức trần giá dầu nhập khẩu từ Nga đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, Nhật Bản) nhất trí thông qua, với hai mục tiêu là vừa duy trì dòng chảy dầu Nga ra thị trường toàn cầu, vừa hạn chế nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine đang tiếp diễn. Trên cơ sở đó, các nước G7 sẽ cấm cung cấp các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm, cho các tàu chở dầu đến từ Nga có giá cao hơn mức trần đã được thống nhất.
Như vậy, dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành, nhằm hạn chế lợi nhuận của xứ Bạch Dương. Tuy nhiên, mức giá chiết khấu vẫn cao hơn chi phí sản xuất để đảm bảo sự khuyến khích đối với hoạt động xuất khẩu và tỷ lệ chiết khấu, tính riêng đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, có thể được điều chỉnh thường xuyên.
Các nước G7 đang kiểm soát khoảng 90% thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu. Điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc tìm đủ tàu chở dầu để đáp ứng nhu cầu, nếu các công ty bảo hiểm phương Tây từ chối cung cấp dịch vụ.
Nguyên nhân của động thái áp trần giá dầu Nga được cho là bởi khối lượng xuất khẩu dầu cao hơn dự kiến và giá khí đốt tăng vọt đã thúc đẩy doanh thu năng lượng của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, khoảng một nửa lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga đã đến châu Âu.
Khó khăn khi thực hiện
Theo dự kiến, đến đầu tháng 12/2022, kế hoạch áp trần giá đối với dầu Nga sẽ sẵn sàng để triển khai, vào đúng thời điểm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhập khẩu dầu Nga qua đường biển bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, thỏa thuận về áp trần giá dầu Nga của G7 được nhìn nhận cần có thêm nhiều nước tham gia, nhất là các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) và Ấn Độ (nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới).
Một quan chức cấp cao của EU thừa nhận, kế hoạch áp giá trần dầu Nga chỉ có thể “hiệu quả với một số điều kiện nhất định như phải được áp dụng toàn diện trên toàn cầu, có bên kiểm soát thị trường... và Trung Quốc là một tác nhân khá quan trọng”.
Hiện tại, những quốc gia ngoài G7 chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ tham gia thỏa thuận, nhất là khi giá dầu Nga rẻ hơn nhiều so với giá tiêu chuẩn trên thị trường dầu quốc tế, khiến nhiều nước tiêu thụ dầu lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga.
Về thỏa thuận áp trần giá dầu Nga của G7, Trung Quốc nhìn nhận, đây là “vấn đề rất phức tạp”.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri nói: “Trong bối cảnh hiện tại, đề xuất đó có ý nghĩa thế nào? Chúng tôi sẽ thận trọng phân tích nó”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định: “Bạn không thể làm điều đó một cách đơn phương, mà cần hợp tác chặt chẽ với nhiều người khác. Nếu không, nó sẽ chẳng đi đến đâu”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, nỗ lực áp trần giá lên dầu Nga đòi hỏi cam kết của cộng đồng quốc tế để có thể thành công. Mặt khác, kế hoạch chi tiết để thực thi sẽ là một quy trình “tương đối khó khăn”.
Trong khi đó, một số thành viên EU bày tỏ lo ngại, Nga có thể sẽ trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho EU.
Về phía Nga, Điện Kremlin tuyên bố, sẽ không bán dầu cho những nước áp trần giá lên dầu Nga. Ngay sau khi G7 đưa ra tuyên bố về việc nhất trí kế hoạch áp trần giá dầu, hãng năng lượng quốc doanh Nga Gazprom thông báo, chưa thể nối lại dòng chảy khí đốt sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 vì lý do kỹ thuật. Nếu “sự cố kỹ thuật” kéo dài, châu Âu sẽ đứng trước một mùa Đông lạnh chưa từng thấy.
Phương Tây cáo buộc Nga “vũ khí hoá” năng lượng, nhưng nước này bác bỏ khi nói rằng, Nga vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy và sẵn sàng thực thi mọi nghĩa vụ trên hợp đồng, còn việc giảm nguồn cung khí đốt chẳng qua do vấn đề kỹ thuật và trở ngại từ chính các biện pháp trừng phạt.
Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hôm 6/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết, Moscow sẽ đáp trả việc G7 áp giá trần đối với dầu Nga bằng cách đẩy mạnh nguồn cung dầu sang châu Á.
“Bất kỳ hành động nào nhằm áp đặt giới hạn giá dầu sẽ dẫn đến thâm hụt trên thị trường của chính các quốc gia khởi xướng, làm tăng sự biến động giá cả và sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ quốc tế”, ông Nikolai Shulginov cảnh báo.