Trên thực tế, trong những năm gần đây, Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới cân nhắc việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến nước giải khát có gas. Bỉ và Indonesia là hai nước mới đây nhất có những quyết định cuối cùng về việc áp thuế này cho nước giải khát có gas.
Sau nhiều tháng nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế - xã hội và y tế, chính phủ hai quốc gia này đã quyết định dỡ bỏ loại thuế này đối với nước giải khát có gas. Cần lưu ý rằng, hạng mục chịu thuế ở các quốc gia này là toàn bộ các loại nước giải khát không cồn, chứ không mang tính phân biệt với riêng nước có gas. Tương tự với trường hợp của Thái Lan và Campuchia, được dẫn chứng bởi Bộ Tài chính, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng trên một diện rộng hơn, bao gồm tất cả nước giải khát không cồn.
Cũng phải nói thêm rằng, loại mặt hàng này vẫn phải chịu một mức thuế nhất định tại một số quốc gia, trong đó có Pháp. Tuy nhiên, những quan sát sơ bộ sau gần 2 năm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát không cồn tại Pháp cho thấy, mục đích nâng cao sức khỏe cộng đồng chưa đạt được như mong đợi. Nguyên nhân là, tuy mức tiêu thụ loại mặt hàng này giảm, nhưng trên thực tế, lượng calo có trong nước giải khát lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng mức hấp thụ. Ngoài ra, việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm tương tự thay thế không những không giúp cho lượng calo giảm đi, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp nước giải khát trong nền kinh tế bởi sự phân bổ mức tăng giá không đồng đều giữa các mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế.
Đáng chú ý là Đan Mạch, một nước trong Liên minh châu Âu lại đang trong lộ trình xóa bỏ chính sách tương tự đã tồn tại hàng thập kỷ. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát tại Đan Mạch đã giảm xuống còn một nửa từ tháng 7/2013 và tiến tới miễn hoàn toàn kể từ đầu năm 2014.
Động thái này diễn ra trong hoàn cảnh nước này đã thất bại trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho chất béo, vốn được các chuyên gia và quan sát viên lấy làm ví dụ điển hình cho tác động tiêu cực của việc áp dụng một loại thuế mang tính phân biệt. Chính phủ Đan Mạch kết luận rằng, phần thâm hụt ngân sách sau khi dỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có gas sẽ được bù đắp bởi phần doanh thu vốn bị mất đi hàng năm từ việc người dân mua các mặt hàng này từ các nước láng giềng. Bên cạnh đó là việc tăng khả năng cạnh tranh của Đan Mạch và cơ hội việc làm của người dân trong thời kỳ thương mại không biên giới.
Ông Niels Hald, Tổng thư ký Hiệp hội Nước giải khát Đan Mạch nhận xét rằng, động thái này cho thấy, Chính phủ Đan Mạch đã nhận thức được bản chất thụt lùi của loại thuế này, tác động tiêu cực của nó tới cơ hội việc làm tại các địa phương gần biên giới, và hậu quả môi trường bất lợi của thương mại xuyên biên giới. Cộng hòa Ireland thậm chí còn gỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có gas từ năm 1992, sau hàng chục năm áp dụng. Nghiên cứu năm 2003 của Bahl, Bird và Walker trên Tạp chí Tài chính công (Public Finance Review) chỉ ra rằng, việc khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt 16 triệu bảng Ireland bị mất đi hằng năm được bù đắp đáng kể với khoản thu bổ sung từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản tiết kiệm chi phí quản lý thuế, cùng với những lợi ích không thể đo đếm của mức tăng tỉ lệ việc làm, mức tăng sản lượng của nền kinh tế.
Ở hai nước gần đây đã cân nhắc câu chuyện áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có gas, thì Indonesia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, từ các yếu tố xã hội đến phương thức vận động của nền kinh tế.
Tại Indonesia, những lập luận không có sức thuyết phục cao về tính hợp lý của việc kê khai nước giải khát có gas vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay thiếu cơ sở khoa học rõ ràng để chứng minh tác động tiêu cực của loại mặt hàng này đến sức khỏe con người đã làm giảm đáng kể sức thuyết phục mà chính sách này mong muốn hướng tới.
Ngoài ra, việc muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có gas, nhưng lại thiếu những đánh giá tác động tới các bên liên quan, như nguồn thu ngân sách chung của nhà nước, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp tiêu thụ nước giải khát thứ cấp và đặc biệt là người tiêu dùng, trong khi chưa thực sự đề cập đến các vấn đề như chi phí quản lý khi tiến hành nghiệp vụ thu thuế, cũng như tính phù hợp của chính sách đã điều chỉnh tới các thỏa thuận thương mại song phương và quốc tế cũng tác động không nhỏ tới quá trình đưa ra quyết định cuối cùng.
Chính phủ nước này cũng đã cân nhắc cả những thiệt hại tiềm ẩn, như giảm sức hút đầu tư, mất cơ hội việc làm do nhà sản xuất tái cơ cấu chi phí. Bởi vậy, sau nhiều tháng xem xét các vấn đề liên quan trên bình diện tổng thể, Indonesia đã quyết định bác bỏ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát ở nước mình.
Với những đặc điểm tương đồng về điều kiện kinh tế xã hội, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas, như câu chuyện mà Indonesia hay Đan Mạch gặp phải. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước có mức tiêu thụ nước ngọt có gas thấp hơn nhiều nước đang phát triển khác.
Ở một góc độ khác, về mặt địa lý, Việt Nam có biên giới đường bộ liền kề với những nước láng giềng là Lào và Campuchia đều thuộc Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát không cồn, trong đó có nước ngọt có gas. Với một ASEAN trên lộ trình xích lại gần nhau hơn, Việt Nam có thể hưởng thêm những lợi ích kinh tế nhất định từ thương mại biên giới nhờ mức chênh lệch giá của các loại nước giải khát không cồn.
Như vậy, trường hợp nước ngọt có gas không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đóng góp của loại mặt hàng này vào doanh thu quốc dân sẽ được duy trì ở mức không nhỏ, đặc biệt nếu biết tận dụng tốt cơ hội từ các lợi thế đang có.