Áp lực thiếu tiền vẫn còn lớn

(ĐTCK-online) Những nỗ lực bơm tiền ra đáp ứng nhu cầu thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm nguội đi cơn sốt tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng suốt tuần qua, tuy nhiên, nguy cơ lãi suất tăng trở lại vẫn tiềm ẩn khi nhu cầu chi tiêu dùng tăng cao vào thời điểm cuối năm.

Cơn sốt tiền đồng đạt độ nóng nhất vào ngày thứ Tư (21/11), khi trên thị trường mở của NHNN, một số ngân hàng đã chào vay với lãi suất tăng vọt, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chào vay cho kỳ hạn 1 tuần với lãi suất tương đương 17%/năm, mức lãi suất cao kỷ lục trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.

Mức lãi suất “ngất trời” này được các ngân hàng nhận định, người đi vay đã “thiếu tiền khủng khiếp” và phải chấp nhận lãi suất vay cao hơn rất nhiều so với thời điểm bình thường. Điều này đã buộc NHNN phải bơm ra khoảng 11.500 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại thông qua việc mua lại các tín phiếu và giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại trong nước, với mức lãi suất 8%/năm.

Ngay ngày hôm sau, thứ Năm (22/11), “nhiệt độ” hạ xuống 13 - 14%/năm và đến ngày cuối tuần, thứ Sáu (23/11), lãi suất qua đêm và kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng dừng ở mức 10 - 11%/năm, nhưng vẫn cao gấp gần 3 lần so với thời điểm bình thường của thị trường cách đây vài tuần.

Với các ngân hàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng, việc tăng mức lãi suất không làm cho các ngân hàng này cảm thấy “sung sướng”, mà ngược lại, họ lo ngại rủi ro mất thanh khoản của các ngân hàng con nợ.

“Trong bối cảnh như hiện nay, người đi vay có vấn đề về thanh khoản, họ sẵn sàng trả một mức lãi suất rất cao và tiềm ẩn đằng sau đó là nguy cơ mất thanh khoản rất lớn, tức là ngân hàng cho vay sẽ mất cả gốc lẫn lãi”, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh nhận định.

Theo vị lãnh đạo trên, việc lãi suất tăng cao như vậy không phải là do các ngân hàng cho vay trên thị trường (chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước), mà người đi vay buộc phải nâng chi phí vay lên để vay cho bằng được. “Ví dụ, cụ thể nhất là phiên giao dịch trên thị trường mở với NHNN ngày thứ Tư (21/11), các ngân hàng tự chào giá mua thay vì việc người cho vay nâng giá”, vị quan chức này cho biết. Điều này cho thấy, tính thanh khoản của thị trường trong ngắn hạn có vấn đề.

Trên thực tế, ciệc thiếu tiền đồng xảy ra ở các ngân hàng có quy mô hoạt động hẹp, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một số ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng cổ phần với quy mô hoạt động rộng được xem là thiếu ở mức “vừa phải”.

Nguyên nhân kém thanh khoản đột biến này được giải thích là trong giai đoạn trước, nhiều ngân hàng dư thừa vốn khả dụng đã mua vào quá nhiều tín phiếu và không lường hết được được rủi ro khi có nhu cầu thanh toán tăng lên đột xuất bởi một lý do nào đó, chính vì vậy đã rơi vào tình trạng kém thanh khoản trong ngắn hạn. Do thiếu tiền cộng với thời điểm gần tuần cuối cùng của tháng, khi các ngân hàng bắt buộc phải thực hiện dự trữ bắt buộc (10%), nên việc chấp nhận đi vay lãi suất cao là điều tất yếu.

Vấn đề là, khi lãi suất được đẩy lên quá cao, những ngân hàng có vốn khả dụng tốt cũng không muốn cho vay, bởi lo ngại người đi vay không có khả năng trả nợ, thêm vào đó họ cũng sợ đến lượt mình cũng có khả năng rơi vào tình trạng tương tự như các “đồng nghiệp” đang thiếu vốn. Chính vì vậy, những ngân hàng thiếu tiền không vay đủ số lượng cần thiết đã phải cầu viện tới NHNN.

Trên thực tế, trong vài phiên đầu khi thị trường mới nóng, NHNN chưa hành động ngay vì họ vẫn theo quan điểm hạn chế bơm tiền ra thị trường, nhưng khi thị trường nóng quá họ bắt buộc phải nhảy vào.

Về nguyên tắc, NHNN có thể xử lý dễ dàng tình huống này bằng cách bơm tiền ra trong ngắn hạn (có thể theo hình thức repo giấy tờ có giá) và thu về trong một vài tuần sau đó. Và thực tế thời gian qua, NHNN đã xử lý theo hướng này. Tuy nhiên, việc mua lại với kỳ hạn ngắn, NHNN từ nay đến cuối tháng sẽ thu hồi hết số tiền đã tung ra và các ngân hàng lo ngại vấn đề thiếu tiền đồng sẽ không được giải quyết triệt để. “NHNN sẽ hút hết số tiền đã tung ra vào cuối tháng và tháng sau  các ngân hàng sẽ lại tiếp tục đi vay”, đại diện một ngân hàng cổ phần nhận định. Trong trường hợp NHNN không mua vào giấy tờ có giá để bơm tiền ra thì không loại trừ lãi suất sẽ lại có lý do để tăng lên lần nữa.

Anh Vân
Anh Vân

Tin cùng chuyên mục