Sáng 26/4 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể, thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình những tháng đầu năm 2023.
Báo cáo tóm tắt nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, với năm 2022, mặc dù còn có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng cả nước đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu. Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Với năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Các tập đoàn lớn có dấu hiệu xem xét kỹ việc đầu tư lớn vào Việt Nam do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Tăng trưởng tín dụng tăng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I giảm so với cùng kỳ năm 2022 , thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn; xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI giảm, thị trường bất động sản nhiều khó khăn… là sức ép rất lớn đối với điều hành tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cả năm.
Thị trường tài chính, kinh tế nước ta có thể chịu tác động lớn và kéo dài nếu những vấn đề của hệ thống ngân hàng tại Mỹ, châu Âu không được xử lý hiệu quả, có tác động lan tỏa đến toàn cầu. Trung Quốc mở cửa trở lại vừa là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu… nhưng cũng vừa là thách thức khi gia tăng áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, sản xuất, thị trường trong nước...
Phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ, tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp. Chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác.
Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Giải pháp tiếp theo là tiếp tục cơ cấu lại lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục rà soát các vấn đề tồn đọng, thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án, doanh nghiệp nhà nước; đổi mới mô hình quản lý, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, các ngành mới nổi liên quan tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đề cập. Cùng với đó là tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng dữ liệu quốc gia hiện đại, đồng bộ.
Với thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Thứ trưởng cho biết việc thực hiện Chương trình đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát được dịch bệnh, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.430 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện nhưng số tiền giải ngân thực tế chỉ đạt 3.757,6 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện.
Đến ngày 31/3/2023, chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị.
Dự kiến Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin.