Áp lực giải chấp không quá mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường phiên đầu tuần tiếp tục chứng khiến sự tháo chạy của nhà đầu tư. Diễn biến này kéo theo những lo ngại về áp lực call margin, force-sell trong những phiên tới. 
Áp lực giải chấp không quá mạnh

Dư nợ margin: gần 56 ngàn tỷ đồng

Phiên cuối tuần trước, VN-Index đã có lúc mất trên 40 điểm, áp lực bán lớn trên thị trường không chỉ xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư bị tác động khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không xuất hiện thêm trường hợp dương tính nào ở trong nước.

Ngoài nguyên nhân trên, yếu tố căn cơ vẫn là tình hình thị trường đang có vẻ đuối sức vài tuần qua và “hơi rướn” để đón kết quả kinh doanh chính thức quý II của doanh nghiệp.

Nhìn lại giao dịch trên thị trường cũng có thể thấy, đã gần một tuần thị trường suy giảm, dòng tiền yếu dần. Phiên đầu tuần, VN-Index mất mốc tâm lý 800 điểm nên tiếp tục kích hoạt lực bán mạnh tay.

Thống kê báo cáo tài chính quý II/2020 của các công ty chứng khoán cho thấy, tổng các khoản cho vay (chiếm đến 95% là dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ - margin) tại thời điểm cuối quý II là 55.921 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I/2020, nhiều công ty chứng khoán đã gia tăng dư nợ cho vay margin.

Điều này khá dễ hiểu khi thị trường đã chứng kiến nhịp hồi phục tốt trong tháng 4-5 và thu hút dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 trên thị trường.

Chỉ tính riêng trong quý II, số lượng tài khoản mở mới lên tới gần 106.000, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong danh sách cho vay nhà đầu tư, dẫn đầu tiếp tục là Mirae Asset với dư nợ cho vay margin 8.225 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với cuối quý I.

Một công ty chứng khoán vốn ngoại khác tăng cho vay margin là KIS Việt Nam với 3.022 tỷ đồng, tăng 660 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2020. Yuanta Việt Nam cũng tăng cho vay lên mức 1.375 tỷ đồng; trong khi MBKE giảm 263 tỷ đồng, về 1.375 tỷ đồng.

Ở nhóm công ty chứng khoán trong nước, HSC đứng đầu về dư nợ cho vay margin, ghi nhận 4.267 tỷ đồng, tăng 744 tỷ đồng. Với SSI là 3.894 tỷ đồng, giảm 83 tỷ đồng so với cuối quý I. VCI cũng giảm dư nợ cho vay margin, về mức 1.912 tỷ đồng.

Ở nhóm quy mô vừa, một số công ty chứng khoán đang tăng dư nợ cho vay, như TCBS lên mức 2.466 tỷ đồng, VNDIRECT 2.260 tỷ đồng, tương tự tại FTS, SHS, VPS…

Ghi nhận một số ý kiến trên thị trường cho rằng, với diễn biến giảm mạnh như phiên thứ Sáu tuần trước và thứ Hai tuần này, một vài công ty chứng khoán đã có động thái cắt giảm danh mục cho vay margin và cũng đã bắt đầu yêu cầu khách hàng bổ sung ký quỹ (call margin) khi thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng xuất hiện.

Ở nhiều công ty chứng khoán lớn trong nước, mạnh về khách hàng cá nhân - vốn có chính sách cẩn trọng trong việc cho vay margin đã đưa dư nợ margin giảm khá so với thời điểm cuối tháng 6. Tuy nhiên, con số cụ thể chưa được tiết lộ.

Áp lực giải chấp không quá lớn

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae Asset cho rằng, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trong nước đến từ việc chưa xác định được nguồn lây Covid-19, cộng hưởng với câu chuyện phát hiện nhiều vụ nhập cảnh trái phép.

Đây là điều gây hoang mang hơn cho giới đầu tư vì tính hội tụ của nhiều vấn đề được nhìn nhận.

Đà giảm của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn nếu các ca nhiễm tiềm tàng được công bố và cần thời gian vài tuần để hấp thụ nỗi lo này.

Một số nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán đã chủ động giảm tỷ trọng margin. Nhà đầu tư cần rà soát lại danh mục và đưa tình huống xử lý nương theo kịch bản diễn biến dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index có thể lùi về 745 điểm mới có cửa hồi, nhưng không có nghĩa xác nhận tăng lại.

Đà giảm như thế này khiến xu hướng trung hạn xác lập từ tháng 3 đến nay đã xấu đi nhiều. Nếu tuần này VN-Index vẫn dưới 800 điểm thì kịch bản tích cực sẽ rất khó xuất hiện.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, thông tin về ca nhiễm mới có mức độ tác động lên nền kinh tế không lớn như đợt tháng 3 (phải giãn cách xã hội cả nước), Chính phủ đã có kinh nghiệm chống dịch nên cách xử lý cũng nhanh hơn. Từ đó, kỳ vọng TTCK cũng không thiệt hại quá lớn như trong tháng 3.

Về vấn đề margin, ông Minh cho rằng, qua báo cáo quý II cho thấy, lượng margin đã tăng trở lại và tăng mạnh trong tháng 5 khi chỉ số và thanh khoản tăng mạnh. Nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh trong phiên tới thì tình trạng call margin hoặc bán giải chấp (force sell) sẽ xảy ra nhiều, nhất là ở cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) và trung bình (midcap).

Thực tế, sau giai đoạn tháng 3, các công ty chứng khoán đã cơ cấu lượng margin, chẳng hạn trước đây dành cho “hàng nóng” nhiều hơn, thì nay cơ cấu tài sản cho vay an toàn hơn. Vì vậy, nếu có call margin hay force sell thì các công ty chứng khoán vẫn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, không quá e ngại về áp lực call margin. Thời điểm hiện tại đã khác với những năm 2014-2015, khi mà cứ có call margin là thị trường rớt không phanh.

Ngoài ra, dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 chảy vào thị trường cũng nhiều, nên lượng margin lớn có lẽ sẽ nằm phần nhiều ở việc vay để thực hiện các thương vụ lớn - đa phần là các tổ chức vay tiền nên nếu có call margin thì họ vẫn đủ khả năng đẩy tiền hoặc cổ phiếu vào để đảm bảo tỷ lệ an toàn.

Ngoài ra, động thái mua ròng trở lại của khối ngoại dù chưa thể kết luận được ngay là họ quay lại hay một số nhà đầu tư hiện hữu đang bơm thêm tiền vào thị trường nhưng cũng có thể xem các quỹ ngoại đang phải tái cơ cấu danh mục.

Sau giai đoạn bán mạnh trong mùa dịch Covid-1, giờ họ cũng cần phải tìm kiếm cơ hội giải ngân, tránh để tỷ trọng tiền mặt trong quỹ quá cao.

Ông Minh cho rằng, chính những lúc diễn biến thị trường như thế này lại càng cần đa dạng hơn các sản phẩm tài chính để cân bằng rủi ro, trong khi hiện trên TTCK Việt Nam, các sản phẩm về ETF, phái sinh khá nghèo nàn. Kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng đưa thêm nhiều sản phẩm hơn vào thị trường.

Nhìn nhận bối cảnh hiện tại, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho rằng, thị trường giảm là đương nhiên do nhà đầu tư  tháo hàng trước rủi ro về thông tin người nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

Nỗi lo dịch lan rộng, quá trình hồi phục kinh tế chậm lại khiến nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực margin thực tế không lớn. Bởi lẽ, thị trường đã trải qua 1 tháng giao dịch với thanh khoản sụt giảm về vùng trung bình thấp.

Đồng thời, năm nay, dòng tiền nhà đầu tư mới tham gia nhiều nên margin tại các công ty chứng khoán không căng thẳng. Vì vậy, sự sụt giảm lúc này mang nặng yếu tố tâm lý nhà đầu tư, chứ không phải do call margin.

“Vấn đề dịch Covid-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý chung, khi đó, kể cả không có margin thì nhà đầu tư vẫn bán mạnh. Còn tình hình margin chúng tôi nắm được thì các công ty chứng khoán vẫn dư nguồn khá, khách chủ động bán nên rất ít nhà đầu tư bị bán bắt buộc”, ông Ngọc nói.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ