Yếu tố liên thị trường hỗ trợ
Trong tuần qua, thị trường tiền ảo rơi vào tình trạng hoảng loạn khi FTX đứng trên bờ vực phá sản với hơn 8 tỷ USD tiền ký gửi cryptocurrency của khách hàng. Bù lại, sức ảnh hưởng từ yếu tố liên thị trường vào phiên cuối tuần là tích cực, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng sau báo cáo CPI tháng 10 tại Mỹ thể hiện lạm phát đã hạ nhiệt.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chưa có dấu hiệu sẽ tăng cao, dù chịu áp lực từ lãi suất tăng. Các dấu hiệu này đang củng cố niềm tin của thị trường vào khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, qua đó tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực tăng lãi suất, tạo tiền đề cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay hiệu quả hơn.
Cũng sau báo cáo về CPI, đồng USD có phiên giảm hơn 2%, chỉ số Dollar Index dao động quanh mức 108 điểm, thấp nhất trong 2 tháng. Trước mắt, tỷ giá USD/VND đã giảm bớt áp lực, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước cân nhắc bổ sung dự trữ ngoại hối, phòng bị cho những rủi ro từ tỷ giá trong thời gian tới (nếu có).
VN-Index tạm dừng đà rơi, nhưng chưa thoát hiểm
Chịu sức ép lớn từ việc nhiều cổ phiếu từ chủ doanh nghiệp giảm giá sàn, áp lực giải chấp chéo danh mục diễn ra xuyên suốt tuần qua, thị trường vận động chủ yếu trong xu hướng giảm. Tâm lý giao dịch mong manh khi thị trường liên tiếp dò đáy mới.
Tuy nhiên, VN-Index chững lại đà giảm trong phiên cuối tuần với mẫu nến Doji cân bằng, giữ chỉ số dao động trong biên. Chỉ số đóng cửa tuần tại 954,5 điểm, tăng 0,8% so với phiên liền trước, nhưng giảm 4,3% so với cuối tuần trước đó. Xu hướng tích lũy đi ngang đang là kỳ vọng trong bối cảnh thị trường khủng hoảng niềm tin cũng như thiếu hụt về mặt thanh khoản.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Điểm sáng là khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng chủ động lên đến 4.100 tỷ đồng trong tuần, góp phần củng cố cho góc nhìn thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mặt bằng hấp dẫn. Mặc dù vậy, độ rộng thị trường còn tiêu cực khi chỉ có nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền, tập trung vào VCB, BID, CTG. Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản, thép và chứng khoán vẫn tác động lên đà giảm.
Chờ đợi sự lưu thông dòng tiền trở lại, sự can thiệp đến từ doanh nghiệp ở nhóm cổ phiếu bị giải chấp, trong phiên cuối tuần, VN-Index phần nào giải tỏa được áp lực bán tháo, ghi nhận ngưỡng hỗ trợ và kháng cự ngắn hạn lần lượt tại 930 điểm và 1.010 điểm.
Lưu ý, trên khung đồ thị tuần, khi tiệm cận ở vùng hỗ trợ fibonacci tương đối cứng tại 930 điểm, thị trường ghi nhận sự phản kháng nhất thời, nên khó có thể kỳ vọng ngay vào sự đảo chiều xu hướng trong tuần mới.
Ngành đáng chú ý: Hàng không
Sau 2 năm dồn nén nhu cầu vì bị đại dịch Covid-19, ngành du lịch, hàng không năm 2022 hồi phục ấn tượng. Theo tổng cục Thống kê, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm lần lượt đạt 430.900 tỷ đồng, tăng 54,7% và 18.200 tỷ đồng, tăng 294,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số chính sách kích cầu du lịch như mở rộng tần suất chuyến bay quốc tế từ 15/2, hay bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách nước ngoài từ ngày 15/5, giúp lượng khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh, tổng lượt khách đạt gần 1,9 triệu.
Tuy nhiên, tổng giá trị doanh thu từ mảng lữ hành bằng 50% so với mức trước dịch cho thấy, ngành du lịch vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu kéo dài đã tác động lên cách chi tiêu, sinh hoạt của người dân khi mọi chi phí đắt đỏ hơn, dẫn đến tình trạng “thắt lưng buộc bụng”.
Dự báo, điểm bùng nổ của ngành du lịch, hàng không xuất hiện ở giữa và sau chu kỳ hồi phục của nền kinh tế; chỉ khi tình hình thị trường tài chính trong và ngoài nước ổn định, thu nhập người dân gia tăng, nhu cầu dịch vụ, giải trí và du lịch mới thực sự được đẩy mạnh, có thể là năm 2024 - 2025.
Đồ thị ngành hàng không cho thấy, ngành này chịu sức ép ngay từ khi kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tiền suy thoái, bất chấp nỗ lực hồi phục đến từ thị trường trong nước. Chỉ số tạo đỉnh trước thị trường chung nhưng tính đến cuối tuần qua thủng vùng đáy hồi dịch năm 2020. Đa phần doanh nghiệp chịu sức ép nợ vay cao, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chưa đủ thuyết phục. Trong ngắn hạn, ngành hàng không chưa đủ điểm tựa cho kỳ vọng bật tăng, nhưng một số cổ phiếu có sức khỏe tài chính vượt trội đáng quan tâm là ACV, AST, NCT.