Áp lực dòng tiền của Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thu xếp nguồn vốn để triển khai các dự án có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng được đánh giá là bài toán khó với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3).
Nhiều dự án đầu tư của VC3 có quy mô vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư của VC3 có quy mô vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận eo hẹp

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông, tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng số 3 vốn là một đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Giữa năm 2015, Vinaconex đã thoái toàn bộ hơn 51,4% vốn khỏi Tập đoàn Nam Mê Kông.

Sau các đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu vào năm 2015, 2016 và 2017, đến cuối năm 2019, Công ty tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ lên 610 tỷ đồng, gấp 7,6 lần thời điểm Vinaconex thoái vốn.

Quy mô vốn liên tục gia tăng, nhưng xu hướng kết quả kinh doanh của Nam Mê Kông từ sau khi thoát bóng Vinaconex lại không được tích cực như vậy.

Về doanh thu, nếu như năm 2016, doanh thu đạt 557 tỷ đồng, thì đến năm 2017 giảm xuống 542 tỷ đồng, năm 2018 giảm gần 50% xuống còn 290 tỷ đồng. Sau khi tăng nhẹ lên 330 tỷ đồng trong năm 2019, doanh thu năm 2020 của Công ty rơi xuống 122 tỷ đồng, với sự sụt giảm diễn ra trên hầu khắp các mảng kinh doanh.

Cụ thể, với hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây lắp, nếu như trong những năm 2015 - 2016, doanh thu hoạt động này của Công ty còn ghi nhận hơn 100 tỷ đồng/năm thì đến năm 2018 - 2019 chỉ còn hơn 30 tỷ đồng/năm và đến năm 2020 không có.

Đối với mảng bán hàng hóa, vật liệu xây dựng, doanh thu cũng giảm mạnh từ 187 tỷ đồng năm 2018 xuống 55 tỷ đồng trong 2019 và đến năm 2020 chỉ còn vẻn vẹn 7,9 tỷ đồng.

Việc doanh thu của mảng xây lắp, bán vật liệu xây dựng giảm mạnh trong năm 2020 có một phần nguyên nhân đến từ việc Công ty thoái vốn khỏi 3 công ty con trong lĩnh vực này. Tuy vậy, xu hướng suy giảm kéo dài từ trước đó cũng cho thấy sự suy yếu về năng lực cạnh tranh, khả năng nhận thầu các dự án mới trong lĩnh vực kinh doanh từng là cốt lõi của Công ty.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm mạnh, từ mức quanh 400 tỷ đồng/năm của 2016 - 2017 đến năm 2018 chỉ còn 57 tỷ đồng, sau khi tăng trở lại 217,7 tỷ đồng trong năm 2019 thì năm 2020 lại giảm mạnh xuống chỉ còn 96,4 tỷ đồng.

Sự ổn định chỉ được duy trì tại hoạt động dịch vụ, với doanh thu quanh 17 tỷ đồng/năm.

Doanh thu giảm kéo theo sự đi xuống của lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế từ 75 tỷ đồng năm 2016 đến 2017 giảm xuống 43,5 tỷ đồng và đến 2018 là 21,9 tỷ đồng. Sau khi phục hồi lên mức 51,9 tỷ đồng trong năm 2019 - trước thời điểm tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đồng nhờ sự ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ một phần của dự án Khu dân cư Vinaconex 3 Phổ Yên và dự án Nhà vườn Đại Lải, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Nam Mê Kông chỉ còn 13,85 tỷ đồng, hoàn thành 1/4 kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đặt ra.

Trong kết quả lợi nhuận của năm 2020, đóng góp đáng kể là gần 7 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là nhờ thoái vốn các công ty con là Công ty cổ phần Xây lắp và công nghệ số 3, Công ty cổ phần Khai thác đá Thừa Thiên - Huế và Công ty cổ phần Đầu tư và khai thác chợ B.O.T - Vinaconex 3, với tổng giá trị chuyển nhượng 38,26 tỷ đồng. Nếu không có sự đột biến từ lợi nhuận tài chính, kết quả kinh doanh của Công ty sẽ còn bi đát hơn.

Tính đến cuối năm 2020, Nam Mê Kông đang có 200 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn hạch toán tại khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi hồi đầu năm chưa có khoản mục này.

Quy mô vốn tăng mạnh trong khi lợi nhuận giảm, thu nhập trên mỗi cổ phần cả năm 2020 của Công ty chỉ đạt 231 đồng, thấp nhất trong nhiều năm nay.

Khát vốn cho các dự án nghìn tỷ

Dù đã ghi nhận doanh thu từ một phần các dự án bất động sản và báo lãi nhưng dòng tiền thu về của Nam Mê Kông không đủ đáp ứng nhu cầu tái đầu tư. Dòng tiền kinh doanh đã âm 3 năm liên tiếp, với - 181,6 tỷ đồng trong 2018, - 19,9 tỷ đồng trong năm 2019 và - 163,4 tỷ đồng trong năm 2020.

Dòng tiền kinh doanh đã âm 3 năm liên tiếp, với - 181,6 tỷ đồng trong 2018, - 19,9 tỷ đồng trong năm 2019 và - 163,4 tỷ đồng trong năm 2020.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, nợ vay của Công ty cũng có xu hướng gia tăng. Trong năm 2020, bên cạnh việc thu về 284 tỷ đồng từ phát hành cổ phần cho cổ đông, Nam Mê Kông cũng tăng vay nợ thêm 57 tỷ đồng. Tổng nợ vay đến cuối năm đạt 203 tỷ đồng nhưng nhờ các khoản vay chủ yếu được dùng để đầu tư vào các dự án dở dang, chi phí lãi vay còn đang được vốn hóa nên chi phí lãi vay hạch toán vào chi phí kinh doanh hầu như không đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của Công ty đến cuối năm 2020, ba dự án có giá trị dở dang lớn nhất là dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 - Quảng Bình (165 tỷ đồng), dự án Khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên, Thái Nguyên (103,4 tỷ đồng) và dự án tòa nhà văn phòng, cho thuê tại 389 Đê La Thành (108 tỷ đồng).

Trong đó, giá trị đầu tư vào dự án 389 Đê La Thành chỉ tăng 8 tỷ đồng trong năm 2020. Đối với dự án Đại Lải (Vĩnh Phúc), giá trị dở dang ghi nhận đến cuối năm 2020 là 33 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo dự toán, các dự án dở dang của Nam Mê Kông đều có quy mô đầu tư lớn. Chẳng hạn, dự án Bảo Ninh 2 có tổng mức đầu tư theo phương án trình Đại hội đồng cổ đông năm 2020 là 1.078 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo của Công ty cho biết, quy mô vốn đầu tư tại dự án Đại Lải là 1.141 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng quy mô vốn của Nam Mê Kông đến cuối năm 2020 đang ở mức 1.331 tỷ đồng, bao gồm 727,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 203 tỷ đồng nợ vay, còn lại là các khoản chiếm dụng vốn.

Đầu tháng 2/2021, Hội đồng quản trị Nam Mê Kông đã ra nghị quyết nhận chuyển nhượng một phần dự án tại Khu đô thị mới (Khu 1) phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương từ Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp, với giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của Công ty, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán 2020.

Dù chi tiết giá trị chuyển nhượng chưa được công bố, nhưng theo phương án vay vốn Techcombank mà Hội đồng quản trị Công ty vừa thông qua đầu tháng 3/2021 để có vốn thanh toán chi phí nhận chuyển nhượng dự án, chuẩn bị đầu tư và phát triển dự án này, hạn mức vay lên đến 1.600 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy chỉ riêng dự toán đầu tư của dự án Bảo Ninh 2 đã xấp xỉ quy mô vốn hiện tại của Nam Mê Kông, chưa kể đến nhu cầu vốn để tiếp tục triển khai đầu tư cho các dự án khác.

Tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên 2020, cổ đông của Nam Mê Kông đã thông qua nghị quyết thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành đầu năm ngoái.

Theo đó, thay vì để đầu tư vào dự án Đại Lải theo phương án ban đầu, nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào dự án Bảo Ninh 2 và bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh khác. Đến tháng 7/2020, Hội đồng quản trị Công ty tiếp tục thông qua hạn mức vay vốn với Ngân hàng Techcombank với quy mô 1.100 tỷ đồng cho dự án này.

Với nhu cầu vốn hiện nay, chắc chắn dư nợ vay của Công ty sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021. Việc phụ thuộc lớn vào vay nợ trong điều kiện triển khai dự án kéo dài trong nhiều năm (như dự án Bảo Ninh 2 dự kiến là 41 tháng) sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tài chính, thanh khoản nếu không kịp xoay vòng dòng tiền.

Với cơ cấu cổ đông khá loãng, không có cổ đông lớn, các cổ đông nội bộ và người có liên quan có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ở mức thấp, Nam Mê Kông đang thiếu bệ đỡ tài chính đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục