Áp lực điều hành

Áp lực điều hành đang đè nặng trên vai Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, khi năm mới 2020 bắt đầu với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Năm mới 2020 bắt đầu với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Năm mới 2020 bắt đầu với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Áp lực này còn nặng nề hơn mọi năm, bởi năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là năm cuối của nhiệm kỳ và do vậy, nhiệm vụ kép đã được đặt ra.

Đó là không chỉ tiếp tục bứt phá hơn nữa nhằm đạt kết quả toàn diện của năm 2020, mà còn phải về đích thành công, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch 5 năm (2016-2020). Hơn thế, sự bứt phá của năm 2020 chính là nền tảng cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, trước mắt là Kế hoạch 5 năm (2021-2025), sau đó là Chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045.

Không thể có một năm 2020 bứt phá thành công nếu không thực hiện tốt các mục tiêu kép. Do đó, phải “khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và hành động hiệu quả”.

Nếu không khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và hành động hiệu quả, thì nền kinh tế khó có thể hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chứ chưa nói đến các mục tiêu kép khác.

Tại Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tuyến với các địa phương vào cuối tuần qua,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh điều này.

Các biện pháp cụ thể đã được Thủ tướng khẳng định. Đó là phải tháo gỡ một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Đó là phải tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch cho các địa phương. Phải làm sao để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công, bởi thực tế, dù đã có nhiều cải thiện, nhưng danh mục các dự án đầu tư công còn dàn trải, còn bóng dáng của sự ban phát, tiến độ triển khai còn chậm…

Bối cảnh trên đòi hỏi phải có thểm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, để làm sao vừa xây dựng được chính sách tốt, vừa chỉ đạo sát sao để chính sách đi vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy, “chủ trương 1, biện pháp 10, nhưng đôn đốc, kiểm tra phải 20” thì mới hiệu quả. Chưa kể, còn phải có chính sách mang tính đột phá cao hơn để Việt Nam thăng hạng về môi trường kinh doanh, về năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, cần thúc đẩy liên kết vùng, lồng ghép hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào chiến lược của quốc gia và các địa phương để Việt Nam không phát triển lạc nhịp với xu hướng chung của thế giới…

Rất nhiều vấn đề được đặt ra, bởi dù nền kinh tế đang trong xu thế tích cực, kết quả đạt được của năm 2019 là nền tảng quan trọng đưa đất nước bước vào năm 2020 thuận lợi hơn, song tình hình thế giới đang diễn biến khó lường, nên không thể lơ là, chủ quan.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là, trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xung phong đi đầu khi giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong công tác điều hành.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực thi. Nhiệm vụ là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng cũng là nhiệm vụ chung của toàn nền kinh tế. Bởi dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, giải phóng điểm nghẽn, nhưng khi khâu thực thi bị “nghẽn” và kém hiệu quả, thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Hơn lúc nào hết, hai chữ “trách nhiệm” trong phương châm hành động năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả” của Chính phủ cần được đề cao, cần được thực thi nghiêm ở mọi cấp, mọi ngành và trong toàn hệ thống chính trị.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục