Áp lực điều chỉnh ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng tăng trong tuần qua không kết thúc trọn vẹn, nhưng dòng tiền duy trì tích cực.
Áp lực điều chỉnh ngắn hạn

Rủi ro đảo chiều xu hướng không lớn

VN-Index kết thúc tuần qua ở con số tròn 1.212 điểm, với thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm 2024 khi giá trị giao dịch đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Theo đó, chỉ số đã trở về gần mức mở cửa đầu tuần, để lại sự tiếc nuối cho giới đầu tư khi xu hướng tăng trong tuần không kết thúc trọn vẹn.

Trong giai đoạn vừa qua, VN-Index tăng trưởng mạnh, vượt nhiều vùng kháng cự, từ 1.160 - 1.170 điểm đến 1.200 điểm, mà chưa có sự điều chỉnh đáng kể. Nhóm ngành ngân hàng, hóa chất và công nghệ thông tin đã giúp VN-Index có mức tăng gần 12%. Trong đó, nhóm ngân hàng bao gồm phần lớn các cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn đang thể hiện vai trò bệ đỡ chắc cho thị trường và chỉ số chung, đưa VN-Index ra khỏi xu hướng giảm dài hạn để bắt đầu xu hướng tăng mạnh mẽ.

Do đó, với việc nhóm ngành ngân hàng bắt đầu chốt lời trong phiên cuối tuần qua, chỉ số chung nhiều khả năng chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Với mức độ ảnh hưởng của ngành ngân hàng, VN-Index có thể lùi dần xuống vùng hỗ trợ 1.160 - 1.170 điểm. Tuy vậy, rủi ro đảo chiều xu hướng là không lớn, bởi dòng tiền duy trì tích cực.

Trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường, nhiều nhóm ngành khác có thể được hưởng lợi khi dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm kiếm thêm cơ hội ngoài nhóm ngân hàng. Một số nhóm ngành đáng quan tâm là đầu tư công, khu công nghiệp, chứng khoán, dầu khí.

Cảng biển: Triển vọng phục hồi dài hạn

Nhìn lại ngành cảng biển Việt Nam năm 2023, xu hướng sụt giảm về lưu lượng hàng hóa qua các cảng chính đã có sự phục hồi về cuối năm, khi mức suy giảm lưu lượng khoảng 10% trong nửa đầu năm sau đó được cải thiện, đạt mức tăng 7% trong quý cuối năm. Số lượng container qua cảng tăng từ 1,5 triệu TEUs trong quý II lên mức bình quân 1,65 triệu TEUs trong quý IV.

Trong thời gian gần đây, ngành cảng biển tương đối nóng với vấn đề cước phí, vì cuộc xung đột ở biển Đỏ làm mặt bằng giá vận tải toàn cầu tăng cao. Xu hướng này khiến giá cước của một số tuyến đường khác không đi qua biển Đỏ tăng theo.

Quy định điều chỉnh khung giá dịch vụ hoa tiêu, bốc dỡ và lai dắt tại các cảng Việt Nam có hiệu lực gần đây cũng là một chủ đề nóng, khi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các cụm cảng lớn, nơi tập trung nhiều lượng hàng hóa được thông quan.

Xét về phân bổ lưu lượng hàng hóa, các cụm cảng tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đang chiếm khoảng 32,5% tổng lưu lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển. Xu hướng phát triển các cụm cảng nước sâu hiện tại vẫn còn thấp, nhưng dần được thể hiện rõ hơn, khi trong tương lai có nhiều dự án cảng biển nước sâu được phát triển và đưa vào vận hành, tiêu biểu như Bến 3 và 4 cảng Lạch Huyện có công suất 1,1 triệu TEUs/năm, hay cụm Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2 với tổng công suất 1,5 triệu TEUs/năm.

Năm 2024, tình hình vĩ mô thế giới được dự báo chưa có nhiều chuyển biến, ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu và nhu cầu vận tải đường biển, nhưng sự phục hồi trong giao thương thương mại có thể diễn ra ở mức nhẹ. Giá dịch vụ vận tải toàn cầu gần đây tăng vọt, nhưng tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tại các cụm cảng chính vẫn cao, dẫn đến việc giá dịch vụ khó có thể tăng mạnh theo, do sự tương đồng về chất lượng ở đa phần các cảng. Mặc dù vậy, chúng nhận nhận thấy điểm sáng ở một số cảng nước sâu, với đặc thù có thể tiếp nhận các tàu hàng trọng tải lớn, công suất bốc dỡ cao và vị trí thuận lợi hơn so với các cảng sông.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục