Áp lực chồng chất lên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ xem xét đẩy nhanh việc giảm mua trái phiếu khi rủi ro lạm phát gia tăng, chất chất thêm áp lực lên thị trường vốn đã lo lắng về biến thể Covid-19 mới nhất.
Áp lực chồng chất lên thị trường chứng khoán

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm thứ Ba, ông Powell cho biết, ông không còn coi lạm phát cao là "nhất thời" và Fed sẽ xem xét đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào cuộc họp tiếp theo trong hai tuần tới. Đầu tháng này, Fed đã công bố lịch trình giảm mua 15 tỷ USD/tháng trái phiếu.

"Nhìn chung, mức giá tăng cao mà chúng ta đang thấy có liên quan đến sự mất cân bằng cung và cầu, có thể bắt nguồn trực tiếp từ đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế sau thời gian chống chọi với dịch bệnh", chủ tịch Fed tỏ ra lo ngại.

Có thể thấy, những nhận định của ông Powell chỉ ra, trọng tâm của Fed hiện đã thay đổi thành đối phó với lạm phát và các tác động tiêu cực thay vì bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Mặt khác, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Ba cho biết, họ hy vọng sẽ có thông tin về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19 hiện tại đối với biến thể Omicron.

Giám đốc điều hành BioNTech khẳng định, vắc-xin Covid-19 của BioNTech và Pfizer sản xuất có khả năng sẽ bảo vệ mạnh mẽ con người khỏi các biến thể.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Moderna nói với Financial Times rằng các loại vắc-xin Covid-19 bị giảm hiệu quả trước biến thể mới và phải chờ đến năm 2022 mới có thể có vắc-xin chống lại biến thể này. Cổ phiếu của Moderna giảm 4,4% trong phiên.

Hãng dược Regeneron Pharmaceuticals cũng chịu áp lực bán tháo sau khi cho biết, phương pháp điều trị bằng kháng thể Covid-19 và các loại thuốc tương tự khác có thể kém hiệu quả hơn đối với Omicron.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm trong phiên, xuống mốc 1,44%. Lợi suất kỳ hạn này đã tăng lên 1,69% hồi tuần trước trước khi đánh mất mốc 1,5% trong phiên bán tháo toàn diện 26/11.

Về dữ liệu kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng trong bối cảnh lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng và sự mệt mỏi trước đại dịch.

Cụ thể, theo Conference Board, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống còn 109,5 trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Cuộc khảo sát được tiến hành trước khi phát hiện ra biến thể Omicron.

Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall chìm trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, trong khi S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang có diễn biến tích cực thì Dow Futures đang có xu hướng giảm.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow Jones giảm 652,22 điểm (-1,86%), xuống 34.483,72 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 88,27 điểm (-1,90%), xuống 4.567.00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 235,14 điểm (-1,55%), xuống 15.537,69 điểm.

Trong tháng 11, S&P 500 giảm 1,37%, Dow Jones giảm 4,35%, trong khi Nasdaq Composite tăng 1,24%.

Theo chân phố Wall, chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày thứ Ba sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo lạm phát của Mỹ có thể không phải là “nhất thời”. Trong khi đó, những lo lắng về khả năng chống lại biến thể Omicron của các loại vắc-xin hiện đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,50 điểm (-0,71%), xuống 7.059,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 180,73 điểm (-1,18%), xuống 15.100,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 55,09 điểm (-0,81%), xuống 6.721,16 điểm.

Kết thúc tháng 11, chỉ số FTSE 100 giảm 2,96%, chỉ số DAX giảm 5,35%, chỉ số CAC 40 giảm 2,97%.

Tại châu Á, các thị trường tiếp tục diễn biến tiêu cực do lo ngại về biến thể Covid-19 mới. Chứng khoán Nhật Bản sụt giảm sau phát biểu của Moderna.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhưng chỉ số bluechip giảm sau khi Moderna đưa ra hồi chuông cảnh báo mới về biến thể Omicron.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh và đã lùi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do lo ngại về dịch bệnh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, sau khi sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 10 giảm mạnh nhất trong hơn một năm rưỡi qua và diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 462,16 điểm (-1,63%), xuống 27.821,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,19 điểm (+0,03%), lên 3.563,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 376,98 điểm (-1,58%), xuống 23.475,26 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 70,31 điểm (-2,42%), xuống 2.839,01 điểm.

Kết thúc tháng 11, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,7%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,5%, chỉ số Hang Seng giảm 7,3%, chỉ số KOSPI giảm 4,4%.

Giá vàng hôm nay tiếp tục suy yếu trong bối cảnh Mỹ có tín hiệu đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ và USD tăng giá trên diện rộng.

Kết thúc phiên 30/11, giá vàng giao ngay giảm 9,70 USD (-0,54%), xuống 1.774,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,70 USD (-0,49%), xuống 1.773,60 USD/ounce. Trong tháng, giá vàng giao ngay giảm 0,5%.

Giá dầu giảm hôm thứ Ba sau khi người đứng đầu Moderna nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đối với biến thể cOmicron, làm gia tăng lo lắng về nhu cầu trên thị trường dầu toàn cầu. Giá dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Ngoài ra, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, các kho dự trữ nước này giảm 747.000 thùng trong tuần trước. Dữ liệu của chính phủ sẽ được công bố vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 30/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 3,77 USD (-5,4%), xuống 66,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,87 USD (-3,9%), xuống 40,57 USD/thùng.

Trong tháng 11, dầu Brent giảm 16,4%, trong khi WTI giảm 20,8%, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ