Áp lực chỉ tiêu tăng trưởng 12%

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đầu tuần này tại Hà Nội, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng đến ngày 22/5/2013 tăng 2,29% so với cuối năm 2012.
Áp lực chỉ tiêu tăng trưởng 12%

Đây là con số khá thấp, bởi chỉ còn 7 tháng nữa, ngành ngân hàng không dễ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12%.

  Áp lực chỉ tiêu tăng trưởng 12% ảnh 1 Gói 30.000 tỷ đồng cho hay hỗ trợ nhà ở được coi là vốn mồi cho tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm

Cố vẫn... khó!

Mối quan tâm của các nhà đầu tư tại VBF là dễ hiểu. Dư nợ cho vay nền kinh tế, hiện đang được tính bằng đơn vị triệu tỷ đồng. Điều này có nghĩa mức tăng dù 1% cũng là con số hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế thì để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, tức là phải tăng thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng, khó vẫn là... bình thường!

Trên thực tế, nếu phân tích kỹ con số tăng trưởng nêu trên, tín dụng bằng VND vẫn có mức tăng trưởng tương đối khả quan. Cụ thể, tín dụng bằng VND tăng 4,57%, tín dụng ngoại tệ giảm 8,07%.

Cũng theo ông Hưng, đây là diễn biến ”phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ”.

Diễn biến nêu trên đang cho thấy một bức tranh sáng về mặt cơ cấu, dần đảm bảo vị thế của đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam . Tuy nhiên, về mặt lượng, còn nhiều điều phải bàn bởi đặc thù tại Việt Nam , tín dụng là nguồn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng có ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng chung của nền kinh tế, chứ không đơn thuần phản ánh khả năng phát triển của từng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN từ đầu năm đã có khá nhiều giải pháp để nâng con số này lên. Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, trong những tháng đầu năm 2013, NHNN đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp. Cụ thể, tiếp tục xác định các lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối nguồn vốn để cho vay; quy định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện là 11%/năm).

Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 điểm phần trăm, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay theo năm của các ngân hàng đã giảm khoảng 2 – 3 điểm phần trăm so với cuối năm 2012. Các TCTD đã đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp (khoảng 9 - 10%/năm) để hỗ trợ cho một số lĩnh vực như thu mua lúa gạo, mua nhà ở…

Đồng thời, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ trong việc đưa ra các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho các lĩnh vực, ngành kinh tế có ảnh hưởng đến phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Theo chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo (từ 20/2/2013 đến 31/3/2013), các TCTD đã cho các doanh nghiệp vay trên 7.500 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, góp phần ổn định giá lúa gạo trên thị trường và bảo đảm cho người nông dân trồng lúa có mức lợi nhuận hợp lý.

“Những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành trong quý đầu năm 2013. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, để đạt các mục tiêu đã đề ra là kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội“, ông Mạnh nói.

 

Tìm tác động của vốn mồi

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) nhận định, con số tăng trưởng tín dụng như trên là mức tăng thấp so với mục tiêu 12% của cả năm 2013. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, trong 8 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng đều ít nhất 1,25%.

Con số này có ý nghĩa thế nào? Cũng theo UBGS, dựa trên thực tế diễn ra trong năm 2012, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của DN còn hạn chế, thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng đều đặn trên 1% mỗi tháng là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, để tạo động lực khơi thông nguồn vốn đòi hỏi sự nỗ lực của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng vẫn còn những dư địa để tăng dư nợ cho vay, đặc biệt là một số chương trình ưu tiên khi đẩy vốn ra sẽ có tác dụng như “vốn mồi”, giúp khơi thông “dòng chảy”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng thì việc triển khai nhanh, mạnh mẽ chương trình 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ tạo ra sự lan tỏa để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh và tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.

“Nếu nguồn vốn này được triển khai tốt, đúng đối tượng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn mua nhà và đầu tư thêm của các chủ đầu tư, từ đó tạo hiệu ứng dây chuyền ở khu vực thị trường có nhu cầu vốn rất lớn là BĐS”, TS. Hiếu nhận định.

Trên thực tế, đây cũng là điều được NHNN đang quan tâm. Cũng theo ông Mạnh, mọi công việc chuẩn bị để triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đã hoàn tất ở 5 NHTM nhà nước được giao thực hiện để có thể triển khai cho vay ngay khi Thông tư 11 của NHNN và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng có hiệu lực.

”Điều này sẽ giúp cho hàng chục ngàn căn hộ trên thị trường được giao dịch và hàng chục ngàn hộ gia đình có điều kiện được mua, thuê, thuê mua các căn nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng”, ông Mạnh nhận định. 

“Song song, NHNN thực hiện và triển khai quyết liệt các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoàn thiện tổ chức và chỉ đạo triển khai ngay các nhiệm vụ được giao của Công ty mua bán nợ và tài sản (VAMC)”.

Hiện thị trường BĐS cũng đang có sự chuyển động khá tích cực. Một số dự án về xây dựng nhà ở xã hội và chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được UBND TP. Hà Nội và TP. HCM xem xét phê duyệt.

Mới đây nhất, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã làm lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm-Hà Nội và đang trong quá trình thương thảo với BIDV để vay vốn đầu tư từ chương trình này.     

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục