Sau phiên sáng lao dốc mạnh, thị trường tiếp tục lùi bước và có nhịp giảm thủng mốc hỗ trợ 1.120 điểm ngay khi bước vào phiên chiều.
Tại ngưỡng điểm này, lực bán ở nhóm bluechip có phần giảm bớt giúp VN-Index hồi mạnh lên trên 1.130 điểm. Tuy nhiên, lực bán lại gia tăng ở những nơi khác, đặc biệt nhà đầu tư tập trung xả mạnh hơn ở nhóm bất động sản, công ty chứng khoán khiến bảng điện tử xuất hiện thêm nhiều mã giảm sàn ở hai nhóm này.
Sức ép tâm lý này quay trở lại lan sang nhóm bluechip và chỉ số thêm một lần rơi về ngưỡng 1.120 điểm và không thể giữ được mốc này trong phiên ATC.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 37 mã tăng và 481 mã giảm (55 mã giảm sàn), VN-Index giảm 37,15 điểm (-3,22%), xuống 1.118,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 991,8 triệu đơn vị, giá trị 21.065,5 tỷ đồng, tăng tới hơn 90% về khối lượng và hơn 80% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 1.306 tỷ đồng.
Nhóm bluechip chỉ còn HDB thu hẹp đà giảm và về được tham chiếu tại 17.100 đồng, cùng VCB, SSB, VJC, BVH, FPT, BCM, ACB giảm nhẹ 0,2% đến 1,4%.
Những cổ phiếu giảm sâu nhất là GVR giảm sàn -6,9% xuống 19.000 đồng, SSI -5,9% xuống 30.200 đồng, MWG -5,6% xuống 49.000 đồng, BID -5,5% xuống 41.500 đồng, STB -5,4% xuống 29.200 đồng, HPG -5,3% xuống 24.800 đồng, VIC -5,1% xuống 44.500 đồng.
Trong đó, SSI vượt lên khớp lệnh cao nhất rổ VN30 và dẫn đầu thị trường khi có hơn 42,2 triệu đơn vị khớp lệnh, HPG khớp 40,6 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu MBB, VIB, GAS, VPB, SAB, VHM, PLX, MSB, SHB, TPB, POW theo sau với mức giảm từ 3% đến 4,7%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các nhóm cổ phiếu phiên sáng giảm sâu nhất là bất động sản, công ty chứng khoán và thép chịu thêm sức ép và không ít đã giảm sàn.
Theo đó, ở nhóm bất động sản có thể kể đến DXS, PDR, NVL, PTL, DIG, ITA, PTC, SCR, HDC, HQC, ITC, QCG, CRE, BCG, HHS, EVG, GEX, NHA, HTN, HAR, DXG, CII, LDG…với GEX, NVL và DIG khớp lệnh thuộc nhóm cao nhất sàn khi có từ 24,7 triệu đến gần 30 triệu đơn vị.
Nhóm công ty chứng khoán với AGR, BSI, CTS, VIX, VND, ORS, AGR giảm sàn, APG -6,8% xuống 8.860 đồng, HCM -6,8% xuống 29.000 đồng, VDS -6,7% xuống 14.700 đồng, TVB -5,3% xuống 4.970 đồng, TVS -5,2% xuống 21.800 đồng, FTS -3,6% xuống 41.100 đồng, với VND và VIX khớp lệnh hơn 41,9 triệu và 37,1 triệu đơn vị.
Nhóm thép ngoài HPG giảm nêu trên thì HSG, NKG, TLH, SMC đều đã giảm sàn, khớp lệnh HSG có 18,6 triệu đơn vị và NKG khớp 11,66 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu ở các nhóm ngành khác như bán lẻ, vận tải, nông nghiệp, cũng giảm sâu, với các mã MHC, TSC, DGW, HAP, ABS, PVT, LSS, VOS giảm sàn.
Trái lại, chỉ lác đác vài cổ phiếu đi ngược thị trường, với YEG và RDP giữ vững sắc tím tại 13.600 đồng và 10.600 đồng, khớp 0,25 triệu và 3,02 triệu đơn vị, HUB còn +5,5% lên 17.300 đồng, TTA +2,4% lên 8.460 đồng và khối ngoại gia tăng mua ròng với hơn 1,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới đà giảm ngay khi phiên chiều trở lại và dù sau đó có nhịp hồi phục, nhưng lực cung gia tăng cũng đã đẩy chỉ số này về sát ngưỡng thấp nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 34 mã tăng và 150 mã giảm, HNX-Index giảm 10,04 điểm (-4,24%), xuống 226,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 134,8 triệu đơn vị, giá trị 2.548 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 48,8 tỷ đồng.
Cũng như sàn chính, nhiều cổ phiếu bất động sản, công ty chứng khoán, thép trên HNX giảm mạnh, với CEO, NRC, VC2, VGS, VIG, APS, EVS, ITQ, DL1, PV2 giảm sàn...khớp từ 0,36 triệu đến hơn 14,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong số những mã thanh khoản cao cũng nới đà đi xuống và giảm mạnh, trong đó, SHS -8,6% xuống 15.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 40,3 triệu đơn vị.
Một vài cổ phiếu xanh là DTD nhích nhẹ 1,1% và TIG +4,9% lên 10.800 đồng.
Đáng kể khác là cổ phiếu TKG, khi từ giá trần đã lùi về giá sàn -9,1% xuống 6.000 đồng, khớp 0,61 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, diễn biến không khác hai sàn chính, khi UpCoM-Index lùi về gần mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,27%), xuống 86,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,3 triệu đơn vị, giá trị 943,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,35 triệu đơn vị, giá trị 139,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu khớp lệnh cao nhất đều giảm khá mạnh, trong đó, CEN dẫn đầu khi để mất hơn 11,8% xuống 6.700 đồng, khớp 4,81 triệu đơn vị, BMS -10,5% xuống 11.100 đồng, khớp 0,64 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút giao dịch nhất với gần 20 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu giảm 5,1% xuống 20.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sâu, mất từ 32 điểm đến hơn 35 điểm. Trong đó, VN30F2310 giảm 35,5 điểm, tương đương -3,04% xuống 1.131,3 điểm, khớp hơn 343.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ mạnh, với CHPG2323 thanh khoản cao nhất khi có hơn 4,72 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm tới 38% xuống 310 đồng/cq. Theo sau là CMWG2307 cũng có hơn 4,28 triệu đơn vị khớp lệnh và cũng giảm sâu 27% xuống 620 đồng/cq.