Theo đề xuất này, quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục riêng để có được giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị bãi bỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Đức Hiếu, thành viên Tổ Biên tập sửa đổi Luật DN cho biết, mục tiêu của đề xuất này không chỉ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập DN, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài, mà còn phân tách rõ ràng hai nội dung trong gia nhập thị trường là hoạt động góp vốn, mua cổ phần và thương quyền của nhà đầu tư.
“Khi thiết kế thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường sẽ được áp dụng thống nhất đối với mọi nhà đầu tư, còn thương quyền sẽ áp dụng theo cam kết, chúng tôi cũng xác định nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với DN khi các tiêu chí để hậu kiểm được quy định rõ ràng”, ông Hiếu phân tích.
Cũng phải nói thêm, trong Dự thảo Luật DN sửa đổi, bên cạnh đề xuất đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đăng ký thành lập DN, như đơn giản yêu cầu về ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh; đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN..., thì nội dung của giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và vốn pháp định. Nghĩa là, cửa cho gia nhập thị trường sẽ thực sự đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, đi cùng với đó là chế tài rõ ràng về trách nhiệm của nhà đầu tư.
“Đơn cử, quy định liên quan đến thời hạn góp đủ vốn sau khi đăng ký DN sẽ được thống nhất là 30 ngày đối với cả công ty cổ phần, cũng như công ty TNHH. Điều này sẽ giảm bớt tình trạng nhiều công ty TNHH không đảm bảo vốn thực theo cam kết khi thời gian cho phép góp vốn lên tới 3 năm, gây ra những hệ lụy pháp lý phức tạp”, ông Hiếu nói.
Đặc biệt, đề xuất thay đổi cách ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký DN theo hướng chỉ ghi ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và nguyên tắc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đang được cho là bước cải cách lớn trong tư duy quản lý nhà nước đối với quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm của DN.
Thực tế thực thi Luật DN 2005 cho thấy, mặc dù quy định hiện hành buộc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải kê đủ các ngành nghề mà nhà đầu tư muốn kinh doanh, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, mục tiêu quản lý nhà nước theo ngành nghề lại không đạt được.
“Có những giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dài vài trang vì số lượng ngành nghề kinh doanh nhà đầu tư lựa chọn rất nhiều, nhưng không cơ quan nào nắm chắc DN đang kinh doanh những ngành nghề nào trong số đó. Hơn thế, với cách đăng ký ngành nghề kinh doanh hiện tại, DN lại gặp rủi ro khi không kịp bổ sung ngành nghề mới mà đã bắt tay vào kinh doanh”, ông Đông nói.
Việc thay đổi cách thức ghi ngành nghề sẽ buộc cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực thi các điều kiện kinh doanh một cách chủ động.
Tuy nhiên, đang có những quan điểm yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập DN, như phải có thẩm định về vốn, thẩm định về nhân thân, thẩm định về địa điểm… Lý do của các đề xuất này là nhằm giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật của DN trong quá trình kinh doanh, như lừa đảo, mua bán hóa đơn…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nguyên nhân chính các vi phạm pháp luật của DN như nêu trên có là do yếu kém công tác quản lý nhà nước, theo dõi, giám sát và xử lý của cơ quan nhà nước có liên quan. “Để giải quyết vấn đề đó, cần sự đổi mới về phương thức quản lý của cơ quan liên quan, chứ không vì thế mà hạn chế việc thành lập DN”, ông Đông nói và khẳng định, mục tiêu không sửa luật nếu vấn đề bất cập do yếu kém trong tổ chức thực hiện.