Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Bắt đầu từ đâu?

(ĐTCK) IFRS 1 do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành năm 2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và được sửa đổi nhiều lần từ đó đến nay để phù hợp với việc ban hành, sửa đổi các chuẩn mực khác.
Các doanh nghiệp niêm yết, đối tượng đầu tiên áp dụng IFRS theo khung lộ trình áp dụng IFRS của Bộ Tài chính đến năm 2020 Các doanh nghiệp niêm yết, đối tượng đầu tiên áp dụng IFRS theo khung lộ trình áp dụng IFRS của Bộ Tài chính đến năm 2020

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay, Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS) đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh các thông tin tài chính giữa các quốc gia. Từ đó, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Tính đến năm 2017, IFRS đang được áp dụng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó 126 quốc gia đã yêu cầu bắt buộc áp dụng IFRS đối với các đơn vị có lợi ích công chúng và các tổ chức tín dụng. Việc áp dụng IFRS sẽ tiếp tục mở rộng tại các quốc gia trong những năm tới, bao gồm các quốc gia tại châu Á và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Tại Việt Nam, IFRS đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp niêm yết, đối tượng đầu tiên dự kiến áp dụng IFRS theo khung lộ trình áp dụng IFRS của Bộ Tài chính đến năm 2020.

Đối với báo cáo tài chính IFRS được soạn lập, doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu được quy định tại IFRS. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có khả năng thu thập thông tin của các giao dịch trong quá khứ kể từ ngày ghi nhận ban đầu, phân tích các giao dịch đó và điều chỉnh để tuân thủ theo các yêu cầu của IFRS.

Việc này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp trong việc soạn lập báo cáo tài chính IFRS, đặc biệt là báo cáo tài chính IFRS đầu tiên. Đây là tiền đề cho việc ra đời của Chuẩn mực IFRS 1 “Lần đầu tiên Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế”.

IFRS 1 do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành năm 2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và được sửa đổi nhiều lần từ đó đến nay để phù hợp với việc ban hành, sửa đổi các chuẩn mực khác.

IFRS 1 đưa ra các hướng dẫn về các thông tin cần được trình bày trong báo cáo tài chính IFRS đầu tiên, cách thức ghi nhận số dư đầu kỳ trên bảng cân đối kế toán, và các lựa chọn kế thừa các số liệu tài chính đã tồn tại trong báo cáo tài chính lập theo khung chuẩn mực khác của các kỳ kế toán trước đó.

IFRS 1 có những yêu cầu cơ bản gì?

IFRS 1 cung cấp các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể đối với một báo cáo tài chính lần đầu tiên được soạn lập theo IFRS, thông qua một thuyết minh rõ ràng và đầy đủ trên báo cáo tài chính về tuân thủ IFRS.

Theo đó, các doanh nghiệp phải soạn lập số dư bảng cân đối kế toán đầu kỳ tại ngày chuyển đổi sang IFRS (date of transition to IFRSs) tuân thủ hoàn toàn theo các chuẩn mực IFRS đang có hiệu lực tại ngày báo cáo.

Nếu một doanh nghiệp dự kiến lập báo cáo tài chính IFRS lần đầu tiên cho cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018, thì ngày chuyển đổi sang IFRS sẽ được xác định là ngày 1/1/2017 (là ngày đầu tiên của kỳ kế toán so sánh). IFRS 1 yêu cầu doanh nghiệp phải xác định số dư đầu kỳ của bảng cân đối kế toán tại ngày 1/1/2017 theo các chuẩn mực IFRS đang có hiệu lực tại ngày báo cáo tài chính IFRS lần đầu, tức là ngày 31/12/2018.

Đây là điều các doanh nghiệp lần đầu tiên áp dụng IFRS cần chú ý vì số dư đầu kỳ theo IFRS 1 có thể khác số dư cùng ngày trong trường hợp doanh nghiệp đang thường xuyên lập báo cáo tài chính IFRS.

Báo cáo tài chính đầu tiên được trình bày theo nguyên tắc sau: Ghi nhận tất cả tài sản nợ và tài sản có theo yêu cầu ghi nhận của IFRS; không ghi nhận các tài sản nợ và tài sản có mà IFRS quy định không được ghi nhận; phân loại lại tài sản, nợ và các thành phần vốn chủ sở hữu nếu có sự khác biệt theo nguyên tắc kế toán đang được chấp nhận phổ biến (GAAP) trước đó và IFRS; áp dụng IFRS để đo lường tất cả các tài sản và các khoản nợ phải trả ghi nhận.

Ngoài ra, theo yêu cầu của IFRS 1, đối với báo cáo tài chính đầu tiên, doanh nghiệp phải trình bày 3 bảng cân đối kế toán (cuối kỳ, đầu kỳ và ngày chuyển đổi), các thông tin đối chiếu của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu được soạn lập, trình bày theo IFRS và GAAP.

Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc các khó khăn về mặt chi phí và tính phức tạp của thông tin, IFRS 1 đưa ra các khoản mục được miễn trừ áp dụng IFRS bắt buộc và không bắt buộc. Các khoản mục sau không được phép áp dụng hồi tố bao gồm ước tính kế toán, ngừng ghi nhận tài sản/công nợ tài chính, kế toán phòng ngừa rủi ro (hedge accounting), lợi ích cổ đông thiểu số và nợ vay chính phủ.

Một số khoản mục khác doanh nghiệp được lựa chọn miễn trừ áp dụng IFRS như giao dịch hợp nhất kinh doanh, đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, giá ngầm định (deemed costs), hợp đồng bảo hiểm, thanh toán trên cơ sở cổ phiếu (share-based payments), lợi ích của nhân viên và thuê tài sản.

Tác động của IFRS 1 đối với doanh nghiệp

Với IFRS 1, việc phân tích về bản chất, cũng như ảnh hưởng của các điều khoản miễn trừ bắt buộc và không bắt buộc được trình bày cũng là một yếu tố quan trọng trong việc soạn lập báo cáo tài chính đầu tiên.

Lần đầu tiên áp dụng IFRS là hoàn toàn không dễ dàng, đặc biệt khi doanh nghiệp phải thu thập và phân tích các thông tin tài chính quá khứ từ ngày ghi nhận. Điều này đặt ra những thách thức về mặt nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang IFRS.

Quá trình chuẩn bị cho sự chuyển đổi có thể diễn ra trong 2-3 năm trước khi áp dụng chính thức. Để thuận lợi cho việc chuyển đổi, doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch chi tiết và toàn diện, trong đó cân nhắc các ảnh hưởng đến rủi ro, quan hệ giữa các đối tượng có liên quan, báo cáo tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ trong quá trình chuyển đổi, lộ trình chuyển đổi để từng bước áp dụng hoàn toàn chính thức IFRS.

Hoàng Tuấn Linh, Trưởng Phòng Kiểm toán và dịch vụ đảm bảo, PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục