Áp đặt trần lãi suất huy động trên 6 tháng là lợi bất cập hại

(ĐTCK) Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đã có Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng công cụ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp nhỏ. Đã có Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng công cụ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp nhỏ.

Nhìn về đường cong lãi suất của Việt Nam hiện nay, ông có nhận định gì?

Đường cong lãi suất là đồ thị mô tả mối quan hệ giữa lãi suất và kỳ hạn của một công cụ nợ (cùng mức và chất lượng tín dụng).

Đồ thị này thường bắt đầu với mức lãi suất ở kỳ hạn thấp và mức lãi suất tăng với những thời hạn dài hơn. Đồ thị thể hiện sự tương quan giữa kỳ hạn, độ rủi ro theo thời gian và mức lãi suất tương ứng.

Đường cong lãi suất có thể được tạo cho bất cứ công cụ nợ nào, nhưng người ta thường chọn đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ làm chuẩn do đặc tính rủi ro thấp nhất (gần như không có rủi ro) và sự đa dạng của các kỳ hạn trái phiếu.

Đường cong lãi suất chuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lãi suất tham chiếu cho hoạt động phát hành, giao dịch và đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Áp đặt trần lãi suất huy động trên 6 tháng là lợi bất cập hại ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Bên cạnh đó, đường cong lãi suất cũng được xem là công cụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý, điều hành thị trường tài chính nhờ vào nội dung thông tin phản ánh. 

Có 3 loại đường cong lãi suất. Một là, đường cong lãi suất bình thường (normal) là đường cong lãi suất chuẩn, có hình lõm, trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường với đặc điểm là lãi suất trái phiếu dài hạn (longer-term yield) cao hơn so với lãi suất trái phiếu ngắn hạn (shorter-term yield) do những rủi ro liên quan đến thời gian.

Đây là dạng đường cong được thấy nhiều nhất, trong đó có Việt Nam, vì thị trường thường mong chờ nhiều “ưu đãi” đối với các loại kỳ hạn dài hơn do rủi ro cao.

Thứ hai, đường cong lãi suất đảo ngược (inverted) là lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn do thị trường tài chính bất ổn hay chính sách tiền tệ thắt chặt của một số quốc gia được áp dụng tại thời điểm hiện tại, nhưng được kỳ vọng sẽ nới lỏng trong tương lai.

Thứ ba, đường cong lãi suất phẳng (flat) là lãi suất ngắn và dài hạn rất gần với nhau. Đó cũng là tín hiệu các nhà phát hành không dự báo được sự thay đổi của chính sách tiền tệ và sự thiếu ổn định của thị trường tài chính.

Hiện tại, một số quan điểm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên áp trần lãi suất cho kỳ hạn huy động từ 6 tháng trở lên để hỗ trợ mạnh mẽ hơn việc hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện tại, chúng ta đã có trần lãi suất huy động từ không kỳ hạn đến 6 tháng. Nếu ấn định kỳ hạn trần lãi suất trên 6 tháng sẽ đi ngược lại với xu hướng Việt Nam đã triển khai trong 10 năm qua là vận hành theo kinh tế thị trường.

Thực tế, nếu không có dịch bệnh, Việt Nam thậm chí có thể bỏ trần lãi suất từ không kỳ hạn đến 6 tháng, chứ không phải tính đến bài toán đảo ngược xu hướng chung, trở lại tình trạng thời bao cấp với lãi suất được chỉ định.

Mong muốn hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp là điều tích cực, nhưng không vì thế mà dùng những biện pháp phi thị trường.   

Mong muốn hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp là điều tích cực, nhưng không vì thế mà dùng những biện pháp phi thị trường.

Với cơ chế thị trường hiện tại, Chính phủ có thể bơm một lượng tiền vào lưu thông, từ đó giảm lãi suất cùng những công cụ khác của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc bơm tiền sẽ khiến lạm phát tăng, nên Chính phủ phải cân bằng, hài hòa các mục đích.

Chúng ta đang ở trong cơ chế thị trường, bỏ qua cơ chế này mà ấn định lãi suất sẽ làm méo mó thị trường, dẫn tới các ngân hàng mất thanh khoản bởi tiền dịch chuyển vào các kênh khác. Do đó, mệnh lệnh hành chính đặt trần lãi suất huy động trên 6 tháng là lợi bất cập hại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn than khó, bởi các ngân hàng tuân thủ quy luật bảo toàn vốn nên không thể cho doanh nghiệp vay thoải mái được…?

Quay trở lại vấn đề gốc của nền kinh tế, hạ lãi suất có ý nghĩa là giúp các doanh nghiệp được vay vốn rẻ. Nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, chỉ một số doanh nghiệp thực sự khỏe mạnh và tìm được hướng sản xuất - kinh doanh để có thể vay ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp mà tình hình kinh doanh bất ổn, việc hạ lãi suất không có ý nghĩa bởi họ không muốn vay hay không thể vay.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp yếu kém, các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay. Luật Ngân hàng bắt buộc các ngân hàng phải bảo vệ đồng vốn huy động từ các thành phần kinh tế.

Việc cho vay dưới chuẩn đã trở nên rất rủi ro cho các ngân hàng, vì tại Việt Nam, việc thua lỗ của các ngân hàng rất dễ dàng bị hình sự hóa khi ban lãnh đạo và các bộ phận quản lý cho vay làm mất vốn của ngân hàng.

Điều này khác biệt so với các quốc gia khác, bởi việc làm mất vốn ngân hàng chỉ bị hình sự hóa khi có gian lận, lừa đảo, cẩu thả, chứ không vì môi trường kinh doanh có rủi ro.

Trong lúc nhiều doanh nghiệp đang yếu kém như hiện tại, ngân hàng “loạng quạng” là “chết”, nên việc thận trọng cho vay là dễ hiểu. Theo đó, các doanh nhiệp không thể trông chờ nhiều ở gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng các ngân hàng giải ngân của Chính phủ, nên có một gói hỗ trợ khác lấy từ hầu bao của Chính phủ, tức là từ ngân sách quốc gia.

Được biết, ông từng đề xuất Chính phủ cần thành lập quỹ bảo lãnh riêng dành cho các doanh nghiệp. Trong trường hợp không giảm lãi suất, quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp?

Bảo lãnh tín dụng là mô hình được phát triển nhiều tại các quốc gia tiên tiến. Đơn cử, tại Mỹ, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả thông qua việc bảo lãnh để các ngân hàng cho vay giới tiểu thương.

Ngân sách của SBA đến từ cơ quan liên bang và được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hàng năm. Nếu các doanh nghiệp được bảo lãnh mất khả năng trả nợ, SBA sẽ nhanh chóng bồi thường cho ngân hàng, rồi sau đó SBA mới “tính toán” với doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam cần áp dụng mô hình “bảo lãnh tín dụng” này. Hiện Việt Nam đã có Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng công cụ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều địa phương cũng thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.

Tuy nhiên, các quỹ này được cấp vốn từ ngân sách địa phương, nên vốn tự có của họ quá mỏng để các ngân hàng khi nhận bảo lãnh có thể tin tưởng tuyệt đối, bên cạnh khả năng “thi hành nghĩa vụ bảo lãnh” chưa được đánh giá cao.

Hơn nữa, các quỹ bảo lãnh địa phương cũng rất chặt chẽ trong việc xét duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp xin bảo lãnh. Có thể nói, các điều kiện để được bảo lãnh là rất chặt chẽ, tương tự như những điều kiện cho vay tại các ngân hàng. Do đó, mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay ở Việt Nam tỏ ra không hiệu quả và cần được cơ cấu lại toàn diện.

Theo tôi, tốt nhất là Việt Nam nên thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia như ở Mỹ và nhiều nước khác, thay cho các quỹ bảo lãnh địa phương. Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia đặt tại Hà Nội và có chi nhánh hoạt động tại các thành phố lớn.

Mỗi năm, quỹ bảo lãnh quốc gia được Quốc hội hay Chính phủ bổ sung một nguồn vốn lấy từ ngân sách quốc gia, điều này vừa tạo được khả năng phát hành bảo lãnh với một lượng lớn để hổ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa tạo được niềm tin đối với các tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh.

Về quy mô vốn, một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia phải có một số vốn điều lệ khởi đầu không ít hơn 3.000 tỷ đồng và cần một lộ trình tăng vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh vấn đề vốn tự có, Chính phủ cần ban hành một quy chế đầy đủ để điều hành quỹ bảo lãnh này và cần có một lực lượng cán bộ lao động có đạo đức, chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Về quy chế hoạt động của quỹ, có thể học hỏi từ các quỹ bảo lãnh tín dụng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và doanh nghiệp không dễ để vay tiền của ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước để vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hơn nữa, số tiền cho vay vẫn gắn liền với nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, chứ không phải là tiền cứu trợ, cho không. Các doanh nghiệp vay vốn theo mô hình này vẫn phải đảm bảo có khả năng trả nợ ngân hàng.

Đây là cách Chính phủ vươn tay để giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng chính là các thành phần kinh tế cần phải có mặt khi nền kinh tế đi vào giai đoạn phục hồi.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục