ANZ: Chưa thể kỳ vọng Việt Nam sớm tham gia TPP

(ĐTCK) Giá dầu, giá vàng trên thế giới giảm sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có phải là cơ hội vàng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam?
Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng ANZ khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương

Những câu hỏi này phần nào được ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng ANZ khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương giải đáp khi trả lời phỏng vấn của ĐTCK. 

Giá dầu và giá vàng trên thế giới đã giảm mạnh trong thời gian qua và vẫn đang trong xu thế giảm. Theo ông, những nhân tố này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế rất nhạy cảm với diễn biến của giá dầu. Nếu trong 12 tháng tới, giá dầu tiếp tục giảm, lạm phát sẽ giảm theo, trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam đang rất thấp. Bên cạnh đó, khi giá dầu giảm, các chi phí vận tải cũng giảm theo, giúp DN giảm đầu ra của sản phẩm, tác động tích cực đến tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Về xu hướng của giá vàng thế giới, chúng tôi cũng có những nghiên cứu để đánh giá chi phí sản xuất vàng cũng như nguồn cung vàng từ các nguồn cung lớn trên thế giới và đánh giá thời gian tới, giá vàng nhiều khả năng sẽ tăng lên. Như vậy, điều này sẽ có những tác động tích cực đối với Việt Nam, bởi người dân Việt Nam luôn coi vàng như một tài sản cất giữ. 

Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng như một cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sắp tới. Ông có cho rằng, sự phấn khích này hơi quá đà?

Người ta thường đề cập đến TPP như một chuẩn mực vàng của các hiệp định thương mại tự do trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế là, còn rất nhiều trở ngại trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vượt qua những trở ngại đó, để tiến tới ký kết được TPP.

Nhật Bản, Ấn Độ đang rất thận trọng trong quá trình đàm phán TPP, do vậy, họ rất cân nhắc các vấn đề như giá cả, thuế quan, hàng hóa nông sản… cũng như một số nội dung khác. Do vậy, việc ký kết TPP, Việt Nam chưa thể chắc chắn 100% sẽ sớm đạt được.

Một hiệp định khác hiện Việt Nam đang thực hiện đàm phán, có khả năng thành công lớn hơn, theo đánh giá của chúng tôi, đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bởi đây là hiệp định thương mại tự do phù hợp hơn cho các nền kinh tế châu Á. RCEP sẽ giúp cho các quốc gia trong khu vực châu Á có thể cải thiện được vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, một điều khoản trong RCEP là viện trợ/hỗ trợ cho các nền kinh tế thấp hơn sẽ giúp cho hiệp định này được thông qua, phê chuẩn dễ dàng hơn ở các nền kinh tế châu Á.

Thêm nữa, khả năng kết nối các nền kinh tế trong RCEP để nâng cao toàn bộ chuỗi giá trị sẽ thu hút được sự tham gia của các nền kinh tế như Australia, New Zealand và làm cho khả năng được chấp nhận của RCEP sẽ cao hơn so với TPP. Chúng tôi cũng cho rằng, một hiệp định thương mại tự do đối với một quốc gia nhỏ hơn và số lượng thành viên tham gia ít hơn chia sẻ, cùng chung mục tiêu hay lợi ích với nhau sẽ thuận lợi hơn nhiều so với một hiệp định thương mại tự do dành cho một khối nước rất lớn với nhiều lợi ích khác nhau.

Trong báo cáo kinh tế mới nhất, ANZ dự đoán Mỹ sẽ tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo ông, điều này sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế Việt Nam?

Tôi cho rằng, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất đồng USD sẽ có tác động đối với Việt Nam ít hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á. Đương nhiên, việc đồng USD mạnh hơn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế, chứ không loại trừ một nền kinh tế nào. Đồng USD đã yếu đi trong một thời gian rất dài, kể từ năm 2001 cho đến nay. Trong khi trước đó, chúng ta đều biết đồng USD đã làm cho danh mục đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đa dạng rất nhiều.

Đồng USD đã từng là động lực chính đối với việc lựa chọn tài sản trong các danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tài chính trên thị trường tài chính thế giới. Như vậy, việc thay đổi lãi suất của đồng USD sẽ ảnh hưởng đến những động thái của các đồng tiền khác nhau ở các thị trường tài chính này. Khi đồng USD tăng lãi suất, các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút các luồng vốn đổ vào.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục