Anh hùng Phạm Tuân: “Tài sản lớn nhất tôi mang vào vũ trụ là niềm tin, niềm tự hào Việt Nam”

Anh hùng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ trong chuyến bay lịch sử hơn 36 năm trước - tâm niệm, ông đã mang vào vũ trụ một tài sản vô giá, đó là niềm tin vào ý chí của con người Việt Nam, là khát vọng chinh phục, vươn tới những tầm cao mới của những người con đất Việt.
Phạm Tuân và nhà du hành Gorbatko trở về Việt Nam sau chuyến bay lịch sử trên tàu Liên hợp 37

Thưa ông, chuyện ông là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ từ những năm 80 của thế kỷ XX là điều nhiều người đã biết. Nhưng điều làm nhiều người tò mò là ông đã mang theo những gì trong chuyến bay lịch sử ấy?

Như mọi người đã biết, chuyến đi ấy, tôi mang theo một bản Tuyên ngôn Độc lập, bản Di chúc của Bác Hồ, một nắm đất Ba Đình, cờ Tổ quốc, hai Huy hiệu của Bác Hồ, ảnh Bác, ảnh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, ảnh gia đình, vợ con, mấy phong thư...

Nhưng hành trang đáng giá nhất mà tôi mang theo trong chuyến bay ấy chính là ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam gửi gắm, vun đắp cho tôi thực hiện chuyến bay lịch sử đó.

Ông vừa nhắc đến ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó có ý nghĩa gì đối với chuyến bay của ông khi đó?

Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm tới tri thức, khoa học - công nghệ nói chung và đặc biệt quan tâm tới công cuộc chinh phục vũ trụ mà Liên Xô khởi xướng. Mỗi khi Liên Xô thực hiện thành công các chuyến bay vào vũ trụ, Bác đều gửi điện chúc mừng và viết bài tuyên truyền về những thành công đó tới cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1961, nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên của thế giới bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông I. Chỉ 4 tháng sau, Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông II do Gherman Titov điều khiển (6-7/8/1961). Bác đã gửi điện chúc mừng tới lãnh đạo Liên Xô và mời nhà du hành Titov tới thăm Việt Nam.

Tháng 1/1962, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô Titov sang thăm Việt Nam, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân mật tại nhà sàn, sau đó đi thăm khu mỏ Hà Quảng và Vịnh Hạ Long. Trong bữa trưa trên hòn đảo nhỏ ở Vịnh, Bác đã đặt tên cho đảo là đảo Titov, để ghi nhớ sự kiện một phi công vũ trụ Liên Xô thăm Vịnh Hạ Long và biểu thị tình hữu nghị Việt - Xô.

Bày tỏ niềm tự hào của nhân dân Việt Nam trước “kỳ công của người phi công anh hùng Liên Xô” Gherman Titov, Bác   cũng tin tưởng: “Tôi tin rằng trong tương lai, chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ”.

Sau này, tôi tham gia khóa huấn luyện của Liên Xô nhằm đào tạo một nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa theo chương trình Interkosmos. Và tôi đã được lựa chọn cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37 vào ngày 23/7/1980.

Thưa ông, trước đó, ở trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, mọi người biết đến và nể phục phi công Phạm Tuân là người lái máy bay chiến đấu đầu tiên bắn hạ được B52 - vốn được coi là “pháo đài bay bất khả xâm phạm” của không quân Hoa Kỳ. Nhưng để bay vào không gian thì rất khác, đòi hỏi nhiều về hiểu biết khoa học vũ trụ, khả năng rèn luyện, chịu đựng trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Khi đó, ông có cảm thấy lo lắng, có tin rằng mình sẽ làm được hay không?

Tôi muốn nhắc lại một chút rằng, trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta nhiều lần đứng trước những khó khăn tưởng như không thể vượt qua.

Người ngoài hầu hết đều cho rằng, chúng ta khó có thể làm được. Nhưng chúng ta đã làm được, đã giành lấy nền độc lập dân tộc. Đó là vì ta không chỉ biết địch, mà còn hiểu ta.

 Anh hùng Phạm Tuân luôn sôi nổi, tâm huyết với khoa học vũ trụ

Trong lực lượng không quân, chúng ta cũng đi từ sơ khai đến khi làm chủ được các thiết bị, khí tài ngày càng hiện đại để đánh thắng kẻ thù. Tôi và nhiều đồng đội khác, cũng từ cậu trai làng vốn quen cầm cày, cầm cuốc, cần mẫn với ruộng đồng, nhưng với khát vọng được cầm lái, điều khiển cánh bay bảo vệ bầu trời Tổ quốc, chúng tôi đã làm được. Đó là vì chúng tôi có niềm tin, có chính nghĩa để không ngừng học hỏi, hun đúc, trui rèn khả năng.

Với chuyến bay vào vũ trụ, nhìn từ bên ngoài cũng thấy rõ khó khăn. Bối cảnh lúc đó, nước ta mới im tiếng súng chưa lâu, đời sống kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật còn rất hạn chế. Dù từng là phi công nhưng khi cùng đồng đội đi học ở trung tâm vũ trụ, chúng tôi vẫn thấy lọt thỏm giữa không gian rộng lớn, rừng thiết bị hiện đại.

Nhưng như đã nói, khi đó, hành trang của chúng tôi mang theo là hy vọng của Bác Hồ năm xưa, là sự kỳ vọng và quan tâm, chăm chút của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam.

Vì thế, dù xác định có rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, bạn bè quốc tế làm được, nhất định mình cũng phải làm được, làm cho tốt. Thực tế là, suốt quá trình đào tạo ở trung tâm vũ trụ, các giảng viên Liên Xô khi ấy cũng đánh giá cao các học viên Việt Nam.

Trở lại với chuyến bay, những vật phẩm ông mang theo hẳn là được gửi gắm nhiều thông điệp về niềm tin đó?

Chính vì ý nghĩa đặc biệt của chuyến bay đó mà chúng tôi đã lựa chọn những vật phẩm mang ý nghĩa chính trị, ý nghĩa biểu tượng rất cao.

Nắm đất ở Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác… đều thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam. Khi đưa lên vũ trụ, đóng dấu Trạm vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế, đã có mặt trên vũ trụ bao la. Nó là thông điệp nói với bạn bè khắp năm châu rằng, người Việt Nam ta không chỉ có lòng dũng cảm, khả năng chiến đấu và chiến thắng quân thù, mà còn có thể làm được nhiều việc to lớn khác.

Chính vì thế, tôi tâm niệm, tài sản lớn nhất mà tôi đã mang vào vũ trụ chính là niềm tin, niềm tự hào của người Việt, rằng chúng ta có thể chinh phục được những tầm cao mới ngay trong điều kiện còn nhiều khó khăn như lúc bấy giờ.

Với những trải nghiệm vô giá cả trong chiến đấu - khi còn là anh phi công rất trẻ đến khi thực hiện chuyến bay lịch sử ở tuổi 33, ông có gửi gắm gì tới các bạn trẻ hiện nay?

Cách đây vài năm, một nhãn hàng phối hợp với Hàng không vũ trụ châu Âu tổ chức tìm kiếm người Việt Nam bay trải nghiệm trạng thái vũ trụ (không phải chuyến bay vào vũ trụ thực sự - PV), tôi có tham gia tư vấn, kiểm tra sức khỏe, thấy các bạn trẻ rất quyết tâm, hàng ngàn thanh niên thử sức, kiểm tra sức khỏe ngặt nghèo còn hơn tuyển phi công.

Các cháu rất mong muốn được trải nghiệm vũ trụ. Tôi cho rằng, lớp trẻ bây giờ vẫn rất khát khao khám phá những giới hạn mới, không chỉ là hàng không, là vũ trụ, đó là điều đáng mừng.

Tôi có một kỷ niệm nho nhỏ, cách đây vài ngày, tôi đi taxi Uber, cậu lái xe nhìn tôi rất lâu và bảo: “Cháu trông chú rất quen, đúng là chú Phạm Tuân rồi!”. Cậu ta kể, từ nhỏ đã rất thích được làm phi công, muốn chinh phục bầu trời, nên đã đọc nhiều về Phạm Tuân. Sau này, vì sức khỏe không đảm bảo nên không được tuyển, cậu đành làm nghề khác, song vẫn tham gia bay dù lượn cho đỡ thèm.

Tôi nghĩ, thế hệ trẻ bây giờ được đào tạo bài bản hơn, điều kiện tốt hơn, nếu được hun đúc niềm tin, hoài bão thì sẽ vươn tới những tầm cao mới, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn. Và sẽ đến lúc có người Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ!

- Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.

- Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur, trên tàu Soyuz 37 (Liên hợp 37) và trở về Trái đất ngày 31/7, sau 8 ngày làm việc trong không gian. 

- Trong chuyến bay, nhiều lần tàu bay qua địa phận Việt Nam. Trong một lần bay qua Hà Nội, được nhìn dải đất hình chữ S của Tổ quốc từ không gian, Phạm Tuân đã chụp ảnh, gửi điện với nội dung: “Người con của Việt Nam đang bay qua bầu trời Tổ quốc, xin gửi lời hỏi thăm và cảm ơn nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được bay vào vũ trụ”. Bức điện được truyền về Trung tâm điều hành của trạm ISS và sau đó được chuyển về Hà Nội.

- Tháng 7/2015, kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô (23/7/1980 - 23/7/2015), Trung tướng Phạm Tuân hội ngộ nhà du hành Gorbatko tại Hà Nội. Từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS, nhà du hành người Nga Gennady Padalka đã chúc mừng Trung tướng Phạm Tuân và Thiếu tướng Victor Gorbatko qua một đoạn video: “Thay mặt phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế xin chúc mừng các đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi là Victor Gorbatko và Phạm Tuân nhân kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Nga”.

Huy Hào thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục