Anh hay Mỹ sẽ nâng lãi suất trước?

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối diện với cùng một lựa chọn khó khăn. Một trong hai nền kinh tế lớn này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành nâng lãi suất, đi ngược lại với xu hướng nới lỏng tiền tệ hiện tại trên toàn cầu.
Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh(Trái), Janet Yellen, Chủ tịch Fed(Phải) Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh(Trái), Janet Yellen, Chủ tịch Fed(Phải)

Ở hai phía của Đại Tây Dương, nền kinh tế Anh và Mỹ đều đang phát đi những tín hiệu tích cực: tốc độ tăng trưởng GDP vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp cùng ở gần mức 5%, vấn đề tiền lương trung bình được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát của 2 quốc gia vẫn duy trì ở mức thấp: 0,2% tại Mỹ và gần bằng 0% tại Anh, theo số liệu từ ngân hàng trung ương của 2 quốc gia.

Trong tuần vừa qua, GDP quý II/2015 của Anh và Mỹ được công bố cho thấy, nền kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng, tuy không nổi trội. GDP của Mỹ tăng trưởng 2,3% trong quý II vừa qua, thay vì giảm so với quý I như những dự báo trước đó. Như vậy, tính cho tới nửa đầu năm 2015, nền kinh tế kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi, Anh có vẻ nổi trội hơn khi tăng 2,2%.

Tuy nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, đủ điều kiện để các ngân hàng trung ương tiến hành nâng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng 2 bên đều hết sức thận trọng, bởi cả BoE và Fed đều không thể chắc chắn về tình trạng trì trệ tại thị trường lao động, yếu tố then chốt quyết định tới áp lực lạm phát. Trong hoàn cảnh như vậy, đâu là thời điểm thích hợp để tăng lãi suất vẫn là câu hỏi không thể vội vã đưa ra câu trả lời.

Tốc độ tăng trưởng GDP được quyết định bởi nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung sản phẩm, bởi vậy rất khó để suy đoán xem liệu nền kinh tế mỗi quốc gia có thể làm tốt hơn hay không. Tại Anh, các cuộc tranh cãi đang nổ ra về khả năng phát triển của nguồn cung trong dài hạn, sau những tác động của khủng hoảng kinh tế. Jeb Bush, thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng, tốc độ tăng trưởng ở 4% là có thể đạt được. Một vài chuyên gia kinh tế đồng ý với ý kiến này. Người phát ngôn tài chính của Đảng Lao động đối lập cũng kêu gọi nước Anh cần phải có tham vọng hơn.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chính là phong vũ biểu cho nhu cầu tiêu dùng của mỗi nền kinh tế. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,3%, tại Anh là 5,6%. Tỷ lệ này đã tiến gần tới mức độ cân bằng mà BoE và Fed dự tính. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, cần phải quan tâm tới tầm quan trọng của các khía cạnh mở rộng tại thị trường lao động, như là con số các công nhân làm việc bán thời gian, mong muốn một công việc toàn thời gian.

Trong tuần vừa qua, Fed cho biết, tình trạng trì trệ ở thị thị trường lao động đã giảm bớt kể từ đầu năm 2015. Một số người cho rằng, đây là tín hiệu cho việc Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 tới, giống như mong đợi của các chuyên gia trước đó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại có quan điểm khác. Họ cho rằng lãi suất sẽ không được nâng lên cho tới tháng 12 năm nay. Một trong những lợi thế của việc trì hoãn tới cuối năm là các thay đổi về chính sách đã được tiếp nhận một cách toàn diện và Fed có đủ thời gian để tính toán cẩn thận những tác động của lần nâng lãi suất đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.

Rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đợi Fed bắt đầu xoay chuyển vòng quay lãi suất, trước khi đưa ra quyết định. Một trong những lý do là về tỷ giá hối đoái. Nếu Anh nâng lãi suất trước, đồng bảng Anh sẽ mạnh hơn so với đồng USD. Điều này có thể khiến áp lực giảm phát mạnh lên ngay lập tức và BoE sẽ phải hạ thấp mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn.

Nhưng, liệu Anh có kháng cự được trước ý định nâng lãi suất trong thời gian chờ đợi Fed? Với những động thái ồn ào gần đây của Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh và các thành viên khác trong việc cam kết nâng lãi suất, rất có thể BoE sẽ nâng lãi suất để đạt được mục tiêu lạm phát trong bản báo cáo vào tháng 11/2015. Nếu Fed chưa nâng lãi suất vào tháng 9 tới, Ngân hàng Trung ương Anh rất có thể sẽ trở thành người bắn phát súng đầu tiên.

Các nhà đầu tư trên thị trường đang “điên đầu” về những suy đoán nâng lãi suất. Có rất nhiều lời phàn nàn rằng, cả 2 nhà băng đều chưa đủ dứt khoát trong kế hoạch của họ. Thực tế, sau cuộc họp mới nhất diễn ra vào ngày 29/7 vừa qua, Fed đã từ chối đưa thêm các chỉ dẫn trong vấn đề nâng lãi suất, trong đó quan trọng nhất là thời gian chính xác lãi suất được nâng lên, nếu nó xảy ra trong năm nay. Cho tới giờ, điều rõ ràng nhất chính là, cả 2 nhà băng đều hết sức thận trọng trong từng bước đi và sớm hay muộn lãi suất cũng sẽ được nâng lên.

Trịnh Hằng (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục