Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch Covid-19: “Canh bạc” nhiều rủi ro của Thủ tướng Johnson

0:00 / 0:00
0:00
Bắt đầu từ hôm nay (19/7), nước Anh sẽ bước vào một “cuộc thử nghiệm lớn” nhằm kiểm tra khả năng chống chọi với dịch bệnh Covid-19 khi dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế và những yêu cầu đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định sẽ gỡ bỏ mọi biện pháp phong tỏa vào ngày 19/7. Ảnh: Reuters. Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định sẽ gỡ bỏ mọi biện pháp phong tỏa vào ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Canh bạc của Thủ tướng Johnson

Anh sẽ chính thức bước vào "Ngày Tự do" (cách gọi của truyền thông địa phương) từ 0h ngày 19/7 (giờ địa phương) sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, quy định dỡ bỏ phong tỏa được đưa ra do hầu hết dân số trưởng thành của Vương quốc Anh hiện đã được tiêm 2 mũi vaccine. Mặc dù cả xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có tỷ lệ người dân được tiêm phòng cao nhưng chỉ riêng vùng England thực hiện bước đi táo bạo này.

Mặc dù chiến dịch tiêm chủng giúp hạn chế các ca bệnh nặng và ca tử vong, song số ca mắc vẫn gia tăng không ngừng. Ngoài ra, có rất ít bằng chứng cho thấy vaccine có thể ngăn chặn những ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 đối với người bị mắc.

Kể từ ngày 19/7, hầu như tất cả các hạn chế ở vùng England sẽ được dỡ bỏ. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ không còn nữa, giới hạn về số người có thể tụ tập trong nhà hoặc ngoài trời sẽ chấm dứt, giãn cách xã hội chỉ được áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và tại sân bay. Các địa điểm khác như câu lạc bộ đêm hay sân vận động sẽ được tự do mở cửa để hoạt động hết công suất.

Nếu ai đó nhận được thông báo nhắc nhở của ứng dụng NHS (ứng dụng trên điện thoại của Dịch vụ Y tế Quốc gia – NHS để truy vết và theo dõi tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân), họ sẽ phải tự cách ly cho đến ngày 16/8 – thời điểm những người đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine được hoạt động như bình thường.

Khi số ca mắc tại Anh gia tăng, số người được ứng dụng yêu cầu tự cách ly cũng tăng lên. Trong vòng 1 tuần tính đến ngày 7/7, có 520.000 người đã nhận được thông báo này. Ngay cả Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhận được thông báo từ ứng dụng NHS. Ông Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã được cảnh báo sau khi tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế Sajid Javid – người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cuối tuần qua.

Theo CNN, đây không phải “canh bạc” đầu tiên mà Thủ tướng Boris Johnson thực hiện trong suốt đại dịch. Ông đã chấm dứt lệnh phong tỏa vào ngày 2/12/2020 với cam kết giúp người dân có một kỳ nghỉ Giáng sinh bình thường. Trong suốt mùa hè năm 2020, chính phủ Anh cũng cho phép những người chưa được tiêm phòng vaccine đi tới các quan bar và nhà hàng.

Anh đã lựa chọn đi một mình và không tham gia cùng với các đối tác châu Âu trong việc mua vaccine ngừa Covid-19, một quyết định mà ban đầu được coi là thành công khi Anh đi trước một bước so với các nước láng giềng trong việc tiêm chủng cho người dân.

Thủ tướng Johnson đã bảo vệ quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế chống dịch của ông với lý do sự gia tăng số ca mắc đã “được dự đoán trước”.

Trước đây, những con số thống kê cao như vậy thường khiến chính phủ phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn. Trong một phát biểu hồi đầu tháng 7, ông Johnson nói, hiệu quả đạt được trong chiến dịch tiêm phòng vaccine khiến ông tin tưởng người dân Anh có thể được hưởng điều mà họ mong đợi từ lâu, đó là “Ngày Tự do” vào ngày 19/7.

"Nếu chúng ta không mở cửa trở lại vào thời điểm mùa hè và vào kỳ nghỉ thì chúng ta sẽ phải tự hỏi mình, bao giờ chúng ta mới có thể trở lại bình thường?" - Thủ tướng Johnson nói trong một thông điệp video.

Nguy cơ rủi ro tiềm ẩn

Theo đánh giá, ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà hàng, khách sạn - một trong những lĩnh vực chính của nền kinh tế Anh sẽ được hưởng lợi lớn từ việc dỡ bỏ các biện pháp phạn chế. Mặc dù hầu hết các khách sạn sẽ có cơ hội nối lại hoạt động và tạo nguồn thu, nhưng việc dỡ bỏ các hạn chế không phải là không tạo ra những thách thức.

Bà Kate Nicholls, giám đốc điều hành tại UK Hospitality cho biết, nhiều địa điểm sẽ áp dụng biện pháp hạn chế riêng để tránh những rủi ro do Covid-19 gây ra. “Một số nơi sẽ chỉ mở cửa vào một số ngày nhất định trong tuần hoặc vào giờ nhất định trong ngày. Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của họ. Thật thất vọng vì đây là lần đầu tiên sau 17-18 tháng qua, họ có cơ hội để hồi lại vốn”, bà Kate Nicholls nói.

Bên cạnh đó, những địa điểm kinh doanh này cũng cần phải đảm bảo sự an toàn cho khách hàng, chẳng hạn như đặt tấm chắn giữa các bàn, duy trì giãn cách xã hội, vốn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Giới chuyên gia cho rằng, việc mở cửa lại ngành dịch vụ khách hàng có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể số ca mắc và gây ra nhiểu rủi ro. Ông Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading cảnh báo: “Ngành này phát triển chủ yếu nhờ vào việc tương tác và gặp gỡ giữa mọi người, điều đó sẽ làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm bệnh”.

Mô hình của Đại học Hoàng gia London dự đoán, quyết định gỡ bỏ hạn chế của chính phủ Anh có thể dẫn đến “làn sóng Covid-19 thứ 3 với sự tăng vọt về số ca nhập viện và tử vong”. Mặc dù vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả cao nhưng chúng không thể ngăn chặn bệnh dịch 100%. Nhiều người có thể vẫn mắc bệnh dù được tiêm phòng đầy đủ.

Theo ông Clarke, số ca mắc gia tăng thì khả năng xuất hiện biến thể mới cũng tăng lên. Dù không cho rằng một biến thể kháng vaccine hoàn toàn sẽ xuất hiện ngay lập tức, song chuyên gia này nhấn mạnh “những gì chúng ra thấy sẽ là sự suy giảm dần hiệu quả của vaccine hiện có”.

Ngoài ra, cũng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy vaccine có thể bảo vệ con người khỏi tác động lâu dài của dịch bệnh.

Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết, khoảng 1 triệu người đang bị các di chứng như mệt mỏi hay sương mù não (một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần) kéo dài hàng tháng sau khi mắc Covid-19.

Trong trường hợp biến thể kháng vaccine xuất hiện thì đây sẽ là điều tồi tệ nhất, có thể thổi bay mọi thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Anh.

Điều hành một quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, Thủ tướng Boris Johnson đã dần đưa nước Anh thoát khỏi cơn ác mộng tồi tệ của dịch bệnh nhờ tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine. Giờ sẽ là thời điểm để ông đánh giá liệu chiến thắng này có tiếp tục kéo dài hay không.

Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, ông chắc chắn sẽ phải đưa ra lựa chọn vô cùng khó khăn: hoặc tiếp tục chứng kiến sự tăng vọt về số ca mắc và ca tử vong hoặc đảo ngược cam kết đưa đất nước trở lại bình thường. Và tất nhiên, bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ông trong mắt công chúng.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục