Anh có thể tung ra vắcxin ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sớm nhất trong mùa Giáng sinh năm 2020, dù tính hiệu quả của loại vắcxin này có thể còn hạn chế.
Người đứng đầu cơ quan phụ trách vắcxin của Anh, bà Kate Bingham đã đưa ra thông tin trên trong cuộc phỏng vấn với BBC mới đây.
Mặc dù trên thế giới hiện có gần 200 loại vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng đang được phát triển, trong đó có nhiều loại đang ở giai đoạn thử nghiệm sau cùng song cho đến nay, chưa có một loại vắcxin nào được chứng minh lâm sàng có khả năng đánh bật virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Kết quả thử nghiệm các loại vắcxin tiềm năng nhất có sớm nhất vào cuối năm nay.
Hiện Anh đã đạt được thỏa thuận cung cấp sáu loại vắcxin tiềm năng, trong đó có hai loại vắcxin do hai công ty AstraZeneca và Pfizer phát triển. Do đó, bà Kate Bingham cho biết nếu hai loại vắcxin này đều được chứng minh hiệu quả và an toàn sử dụng, Anh có thể tung ra vắcxin vào mùa Giáng Sinh năm nay. Tuy nhiên, theo bà, thời điểm thực tế hơn có được vắcxin là vào đầu năm 2021.
Trước đó, bà Kate Bingham từng nhận định về thế hệ vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên, cho rằng các loại vắcxin thế hệ đầu có thể không hoàn hảo, do đó cần có sự chuẩn bị khi chúng không thể ngăn chặn sự lây nhiễm, mà chỉ có tác dụng giảm triệu chứng, thậm chí có thể không có tác dụng với nhiều người hoặc trong thời gian dài.
Giáo sư Chris Butler thuộc trường Đại học Oxford chia sẻ quan điểm cho rằng việc quá phụ thuộc vào vắcxin để ngừa bệnh là thiếu thận trọng. Ông cho rằng khó có khả năng con người tìm ra một loại vắcxin hoàn hảo có khả năng bảo vệ 100%. Theo ông, điều quan trọng là tìm kiếm phương pháp điều trị.
Với hơn 900.000 ca mắc COVID-19 và hơn 45.000 ca tử vong do dịch bệnh này, Anh là một trong những nước ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Riêng ngày 27/10, Anh ghi nhận thêm 367 ca tử vong - mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ tháng Năm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang áp dụng chiến lược ban bố lệnh phong tỏa cấp địa phương để khống chế làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.