Ngày 19/12, tạp chí Science (Khoa học) đã bình chọn bức ảnh đầu tiên về một hố đen lớn do mạng lưới Kính viễn vọng Chân trời sự kiện (EHT) chụp được là thành tựu khoa học đột phá năm 2019.
Ảnh chụp siêu hố đen với vầng sáng tạo thành từ bụi và khí bao quanh, nằm ở trung tâm thiên hà Messier (M87), cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng, đã làm thay đổi hiểu biết của con người về một trong những hiện tượng bí ẩn nhất trong vũ trụ.
Bình luận về ảnh chụp trên, Tổng biên tập tạp chí Science H.Holden Thorp nói: "Trăm nghe không bằng một thấy. Người hoài nghi thường tròn mắt khi nghe các nhà khoa học nói rằng họ biết những thứ tồn tại dù không nhìn thấy. Đây là một vật thể quan trọng nữa mà chúng ta nhìn thấy."
Mạng lưới EHT gồm 8 kính viễn vọng vô tuyến đặt ở nhiều địa điểm trên toàn cầu đã chụp được hình ảnh hố đen trên trong dự án quy tụ hơn 200 nhà khoa học trên thế giới.
Theo biên tập viên tin tức của tạp chí Science Tim Appenzeller, sự kiện nhìn thấy hố đen là một điều "thần kỳ" và đây là một kỳ tích của công nghệ và tinh thần làm việc nhóm.
Trong số 9 sự kiện khoa học nổi bật sau hố đen M87, hóa thạch quai hàm của người Denisovan có niên đại hơn 160.000 năm trước đây được các nhà khoa học Trung Quốc và Đức phát hiện ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, Trung Quốc, nhận được hơn 34.000 lượt bình chọn của độc giả tạp chí Science và là sự kiện khoa học đột phá năm 2019 do công chúng bình chọn.