Ấn tượng xuất khẩu 9 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu tăng 17,3%, đạt trên 282 tỷ USD, các nhóm hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng khá, cán cân thương mại xuất siêu trên 6,8 tỷ USD...là dấu ấn đậm nét về xuất khẩu 9 tháng 2022.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu 9 tháng 2022 là điểm sáng của nền kinh tế. Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu 9 tháng 2022 là điểm sáng của nền kinh tế.

Điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu cả nước 9 tháng 2022 được nhấn mạnh tại Họp báo thường kỳ Bộ Công thương.

Theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khẳng định xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 9 tháng đầu 2022, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đến hết quý III/2022 xuất khẩu duy trì mức tăng 17,3% và đạt kim ngạch hơn 282 tỷ USD.

Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Đáng nói, tăng trưởng giữa các nhóm hàng, các thị trường cũng như chủ thể đều được đánh giá tương đồng và có mức tăng ổn định.

Bà Trang nêu ví dụ, các nhóm hàng đều ghi nhận tăng trưởng tốt, trong đó nhóm nông, lâm, thủy sản tăng gần 15%, nhóm công nghiệp chế biến tăng 17%. Tương tự, xét về chủ thể nhóm các khu vực doanh nghiệp trong nước có mức tăng trên 15% và nhóm các doanh nghiệp FDI tăng trên 17%.

"Trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao ở nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… các thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng trên hai con số”, bà Trang cho hay.

9 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 40 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, sang EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3% ...

Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, với những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu cao trên 6,8 tỷ USD, đồng thời khẳng định, những kết quả tích cực này sẽ là tiền đề để hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán đích và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Bộ Công thương đánh giá, 3 tháng cuối năm, tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới.

Nhưng, trước thực tế lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam, các ngành hàng, doanh nghiệp cần phân tích, dự báo kỹ lưỡng, kịp thời để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường.

Đặc biệt, đồng USD tăng tiếp tục tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.

Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục