Ấn tượng về một sự quan tâm đặc biệt

(ĐTCK-online) Trên chuyến bay trở về Hà Nội từ Tokyo, tôi có thời gian để nghĩ về những câu chuyện chúng tôi đã trao đổi với NĐT Nhật Bản trong chuyến đi này. Tôi không nhớ rõ đã gặp bao nhiêu người, nhưng trong lòng vẫn còn nguyên cảm giác về sự quan tâm đặc biệt mà họ dành cho những bài trình bày của chúng tôi và về những câu hỏi mà họ đặt ra đối với nền kinh tế và TTCK Việt Nam.
TTCK tăng điểm có tương quan dương tới dòng tín dụng ngân hàng - Ảnh: Đức Thanh

Điều khiến tôi thực sự ấn tượng là họ quan tâm tới Việt Nam với kỳ vọng một sự thần kỳ kế tiếp Nhật Bản cách đây vài chục năm, nhưng đồng thời họ cũng để lại trong tôi những câu hỏi khó trả lời.

Một câu hỏi trực tiếp, rất dễ để hỏi, nhưng câu trả lời thật khó là: "Bạn nói rằng thị trường Việt Nam hấp dẫn, vậy tại sao nền tảng kinh tế Việt Nam tốt mà chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm lại không tăng trưởng, đặc biệt là sụt giảm mạnh trong mấy ngày qua, trong khi các thị trường khác như Indonesia hay Thái Lan đều tăng trưởng?". Tôi không biết liệu sự hiểu biết của tôi có đầy đủ, nhưng tôi đã trả lời với họ rằng, có hai lý do quan trọng chi phối là: (i) những lo ngại về sự phục hồi chậm hơn kỳ vọng của kinh tế toàn cầu và (ii) quan trọng hơn là những lo ngại về một lượng cung hàng hóa lớn trên thị trường Việt Nam do các DN niêm yết phát hành ồ ạt và các DN mới chào sàn.

Quan điểm của tôi về thị trường (tất nhiên là tôi không nói những điều sau với họ) đơn giản rằng, đó là một "hộp đen" mà trong đó chúng ta có tiền, cổ phiếu và nguyên lý của trò chơi mua bán, còn DN, NĐT và các cơ quan quản lý là những người thực hiện trò chơi đó. Nếu có quá nhiều cổ phiếu được đưa vào trong hộp, trong khi không bơm thêm tiền vào hộp và hơn thế, các DN lại hút tiền về thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, thì kết cục đơn giản nhìn thấy sẽ là giá giảm. Nói cách khác, tăng trưởng lợi nhuận DN không thể bù lại được khoản tiền bị rút ra. Nhưng chúng ta lại có thể kỳ vọng vào một làn sóng mới sau khi việc tăng vốn hoàn tất và vốn mới huy động được sử dụng để tạo ra lợi nhuận mới. Chu kỳ mới lại bắt đầu. Và điều này thường là sau 3 tháng.

Một câu hỏi khác thực sự làm tôi lúng túng là: "Liệu Vinashin có phải là trường hợp duy nhất, liệu Chính phủ Việt Nam có phát hành thêm trái phiếu chính phủ bằng USD để bù đắp và khi đó, liệu VND có mất giá?". Tôi ước rằng, nếu tôi biết nhiều hơn để có thể trả lời với họ, nhưng tôi thực sự tin rằng, việc Fitch hạ mức tín dụng của Việt Nam là một nhân tố tiêu cực khiến họ quan tâm tới vấn đề nợ và giá trị của VND. Tuy vậy, tôi cũng đã trả lời họ rất thẳng thắn rằng, về tỷ giá giữa đồng Yên (JPY) và VND, thì việc lên giá của JPY chủ yếu là do đồng tiền này lên giá so với USD, hơn là do những quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tôi cũng nói thêm, việc tăng giá của JPY là hiện tượng, chứ không phải là xu hướng và do vậy rất có thể khi JPY mạnh lại là cơ hội lý tưởng để mua các tài sản tài chính nước ngoài. Tất nhiên, họ hoàn toàn đồng ý rằng, thị trường Việt Nam đang được định giá hấp dẫn so với khu vực, nếu tỷ giá không phải là vấn đề.

Họ cũng quan tâm tới Thông tư 13/TT-NHNN, liệu có tạo ra tác động tương tự như năm 2007, khi mà rất nhiều quỹ đầu tư chứng khoán Nhật Bản vào Việt Nam và đều thua lỗ. Quả thực, rất khó để ước lượng về tác động cụ thể, nhưng rõ ràng quy định liên quan tới an toàn vốn của hệ thông ngân hàng sẽ tạo ra những tác động tới hoạt động tín dụng trên thị trường. Nếu chúng ta để ý rằng, TTCK tăng điểm có tương quan dương tới dòng tín dụng ngân hàng, thì điều ngược lại là hoàn toàn dễ hiểu. Có một điều tôi cũng rất suy nghĩ, đó là trước đây, các yếu tố thuộc về "công thức tạo tiền" thông qua các sản phẩm tài chính đòn bẩy chỉ dành cho khách hàng VIP, thì hiện tại, dường như điều này đã khá phổ biến với mọi NĐT.

Các NĐT Nhật Bản còn hỏi rất nhiều câu thú vị khác và họ làm tôi có cảm giác rằng, họ biết nhiều chuyện bên lề hơn là tôi về kinh tế Việt Nam . Tôi biết đó là những thông tin mà báo chí Nhật Bản đăng tải, nhưng tại Việt Nam thì có thể tôi đã không để ý hoặc không biết. Nhưng điều làm tôi thực sự vui là họ có một cam kết và niềm tin mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam .

Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long, thành viên HĐQT MBCapital
Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long, thành viên HĐQT MBCapital

Tin cùng chuyên mục