TRA
Vẫn như mọi năm, Traphaco trung thành với chiến lược “con đường phát triển bền vững - con đường sức khỏe xanh”. Và đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong toàn báo cáo của Traphaco.
Có thể nói “sứ mệnh tiên phong sáng tạo dược phẩm xanh bảo vệ sức khỏe con người được thể hiện qua chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sạch, hệ thống phân phối, dịch vụ thân thiện với môi trường” đã thể hiện được tầm nhìn dài hạn của Công ty trong việc tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh - sản xuất của mình
Mặc dù hàm lượng thông tin không phải là quá nhiều, nhưng Traphaco là một trong số ít công ty có những bước đi đáng khích lệ trong việc xem xét đến mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau, và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.
Nhất quán với tầm nhìn dài hạn là thuyết phục, nhưng làm mới cách thể hiện báo cáo có lẽ sẽ làm báo cáo hấp dẫn hơn. Ví dụ, Traphaco nên có một chiến lược trình bày thông tin một cách hợp lý, phù hợp cho nhu cầu khác nhau của độc giả: thông tin cơ bản, thông tin theo đề mục và số liệu chi tiết nhẳm giúp người đọc nhanh chóng có được thông tin cần thiết mà không phải “ngụp lặn” nhiều lần.
BVH
Có thể nói, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là một trong những công ty luôn nỗ lực làm mới chính mình và họ đã thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong từng kỳ báo cáo. Năm nay, BVH chọn “hệ sinh thái kinh doanh” làm sợi chỉ kết nối xuyên suốt cho toàn báo cáo một cách xuất sắc.
Nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nói chung và hệ sinh thái trong kinh doanh nói riêng, Bảo Việt lựa chọn thông điệp “Kiến tạo hệ sinh thái bền vững” nhằm tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao nhận thức hướng đến phát triển bền vững của cả cộng đồng.
Phương pháp tiếp cận và quản trị các nội dung trọng yếu dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN SDGs) được thực hiện một cách thuyết phục khi họ đã phân tích, lựa chọn và tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững trong định hướng chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020 của doanh nghiệp vào các hoạt động trong năm 2017.
Ông Tô Vĩ Hùng, Hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Trưởng phòng Kế toán, Công ty Rosneft Việt Nam, thành viên Nhóm đánh giá chuyên môn về báo cáo phát triển bền vững đã lược ghi nhận định của Nhóm đối với Top 10 báo cáo phát triển bền vững tốt nhất năm nay, cả về mặt nổi trội và những điểm mà doanh nghiệp cần cải thiện để có báo cáo tốt hơn trong các mùa sau.
Đặc biệt BVH đã tích hợp các nội dung báo cáo theo Bộ tiêu chuẩn GRI Standards và 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Phần đồ họa được thực hiện vô cùng công phu, súc tích và sáng tạo, truyền tải được rất nhiều thông điệp về phát triển bền vững cho người đọc. Có thể không ngoa khi nói rằng báo cáo của BVH là một tập infographic minh họa xuất sắc các chuẩn mực GRI.
Thật khó để tìm ra các điểm hạn chế trong báo cáo của BVH. Có chăng là việc sử dụng kiểm toán độc lập nhằm gia tăng độ tin cậy tới mức tối đa cho các nhà đầu tư ngoại mà thôi. Mặc dù bù lại việc không có kiểm toán độc lập thì BVH là số ít, nếu không muốn nói là đầu tiên và duy nhất có sự đảm bảo từ kiểm toán nội bộ.
PVD
PVD là cái tên luôn lọt vào vòng chung kết các mùa bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất và năm nay, điều đó cũng không phải là ngoại lệ.
Cuộc khủng hoảng giá dầu kéo dài khiến hầu hết các công ty dầu khí đã cắt giảm ngân sách tìm kiếm thăm dò và khai thác; dừng giãn các chiến dịch khoan và cắt giảm giá thành. Điều này khiến cho nhiều công ty cung ứng dịch vụ khoan trên thế giới gặp nhiều khó khăn, phải vận hành giàn khoan dưới giá vốn.
Về cơ bản, PVD đã trình bày được bối cảnh hoạt động với những khó khăn thách thức liên quan, thể hiện nỗ lực trong việc đảm bảo công việc tối thiểu để duy trì hoạt động,bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, việc có thể duy trì và phát triển hệ thống quản lý tích hợp An toàn - Sức khỏe - Môi trường - Chất lượng (HSEQ) theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giữ vững hiệu suất hoạt động cao đồng thời đảm bảo các yêu cầu về môi trường là thành tích rất đáng kể trong điều kiện ngân sách eo hẹp. Điều này cũng chứng tỏ bản lĩnh của PVD trong giai đoạn này.
Mặc dù vậy, cần phải ghi nhận một thực tế là PVD cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cập nhật chính sách, chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững ngắn, trung và dài hạn của doanh nghiệp trên bình diện địa phương, vùng miền, quốc gia, khu vực và quốc tế. Khi mà UN SDG đã được đưa vào chương trình nghị sự của Chính phủ.
Phương án trình bày cũng cần được làm mới theo đúng tinh thần “Vững vàng trong thử thách” như chủ đề của báo cáo năm nay.
PAN
Sau khi hoàn tất việc chuyển đổi sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm trong 2015, PAN đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng một tập đoàn thực sự quan tâm đến môi trường và an toàn thực phẩm. Trong 3 năm liền, PAN đã lọt vào Top 10 báo cáo phát triển bền vững, một thành tích đáng khâm phục đối với một tập đoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Năm nay, đặc biệt hơn, báo cáo phát triển bền vững của PAN còn được đề cử giải Tin cậy. Ngoài việc có được các đánh giá khách quan của các bên độc lập và áp dụng các chuẩn mực, hệ thống quản lý tiên tiến như ISO, HACCP, Global GAP… như các doanh nghiệp khác, PAN đã nhận được sự tin tưởng cao từ Hội đồng bình chọn khi đã công bố một cách minh bạch vi phạm trong tuân thủ, mặc dù đó chỉ là một vi phạm nhỏ (bị phạt 4 triệu đồng).
Về trình bày, báo cáo PAN năm nay vẫn rất đẹp với màu xanh lá tươi mát kết hợp với hình tượng trống đồng độc đáo, đầy bản sắc. Các hình ảnh thiên nhiên cũng được dùng một cách phù hợp để tăng thêm sự sinh động và minh họa cụ thể cho nội dung truyền tải. PAN cũng là một trong số ít báo cáo có sử dụng các liên kết website để cung cấp thêm thông tin cho người đọc.
Tuy nhiên, sẽ là hoàn chỉnh hơn nếu như báo cáo không còn những lỗi cơ bản về nội dung, ví dụ như sai sót ở trang 51 trong phần tóm tắt nội dung báo cáo phát triển bền vững 2015.
Nhìn chung, báo cáo năm 2017 đã tiếp tục khẳng định cam kết nghiêm túc của Tập đoàn với phát triển bền vững. Hội đồng bình chọn đang mong đợi những đột phá mới trong báo cáo PAN 2018 với chủ đề rất thời sự, liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: “Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm”.
SSI
Trở lại sau một năm vắng bóng trong Top 10, báo cáo của SSI năm nay đã có nhiều thay đổi tích cực.
Năm nay, SSI chuyển từ việc áp dụng tiêu chuẩn GRI-G4 sang áp dụng tiêu chuẩn GRI với các tham chiếu rõ ràng đến các tiêu chí phát triển bền vững thích hợp đối với một doanh nghiệp nghành dịch vụ.
Chiến lược phát triển bền vững của SSI cũng được nâng cấp và lồng ghép trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Như lời của Chủ tịch Hội đồng quản trị, “SSI không chỉ tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mà còn kết hợp thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan”.
Điều này đã được cụ thể hóa trong chiến lược đầu tư có trách nhiệm của SSI, bao gồm việc đánh giá các chỉ tiêu ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trước khi ra quyết định đầu tư và tiếp tục làm việc sâu sát với công ty đầu tư để khuyến khích và hỗ trợ họ nâng cao năng lực phát triển bền vững.
Ngoài ra, các phần tổng quan, phân tích các bên liên quan và xác định lĩnh vực trọng yếu, quản trị, phân tích rủi ro…cũng đều được trình bày đầy đủ và rõ ràng.
Là doanh nghiệp ngành dịch vụ, đội ngũ nhân viên, theo lời Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, là “tài sản có giá trị nhất của Công ty”, nên báo cáo cũng đã dành nhiều nỗ lực để miêu tả các lĩnh vực liên quan đến nhân sự như tuyển dụng, đào tào chuyên môn và kỹ năng, xây dựng môi trường làm việc, đánh giá hiệu quả công việc và chế độ đãi ngộ, cũng như các phúc lợi khác…
Mặc dù thông tin tương đối nhiều, nhưng nhờ sử dụng hiệu quả các biểu đồ, so sánh và minh họa, phần này của báo cáo đã được trình bày khá súc tích và rõ ràng.
Nhiều năm qua, báo cáo của SSI luôn được Hội đồng bình chọn đánh giá cao trong các báo cáo phát triển bền vững thuộc ngành dịch vụ, tài chính.
Để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa báo cáo của mình, SSI có thể có những cải tiến về nội dung như thêm các chỉ tiêu phấn đấu phát triển bền vững trung hạn và dài hạn, các phân tích thực tế và kế hoạch thực hiện… hoặc các cải tiến về mặt quản trị như thành lập Tiểu ban Phát triển bền vững, liên kết thù lao Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc với các chỉ tiêu phát triển bền vững và tăng tính tin cậy của báo cáo thông qua các đảm bảo nội bộ hoặc bên ngoài.
STK
Lần thứ 2 lọt vào Top 10 trong vòng 3 năm lập báo cáo phát triển bền vững, STK đã thể hiện sự cam kết nghiêm túc của mình trong lĩnh vực PTBV.
Báo cáo năm nay được lập theo GRI-G4 và có cấu trúc khá chuẩn, đơn giản, nhưng thể hiện rõ ràng hầu hết các tiêu chí quan trọng của phát triển bền vững và được tham chiếu cụ thể đến GRI-G4.
Về chiến lược, báo cáo đã khắc phục nhược điểm các kỳ trước, cho thấy được các mục tiêu phát triển bền vững cụ thể của doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Chiến lược này đã bước đầu hiện thực hóa trong năm 2017 bằng các đầu tư của doanh nghiệp vào nhà máy tái chế sợi, hợp tác sản xuất sợi màu, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nước… Điều này đã khẳng định rõ cam kết phát triển bền vững của STK và là một bước đi đúng đắn nhằm “đón đầu làn sóng tiêu dùng xanh”, như lời của Chủ tịch Hội đồng quản trị STK.
Ngoài ra, như lời doanh nghiệp “rút kinh nghiệm từ Báo cáo phát triển bền vững 2016”, báo cáo năm nay đã có hàng loạt cải tiến trong đánh giá tác động, ảnh hưởng của các bên liên quan, đánh giá và giải pháp khắc phục các rủi ro trọng yếu, mô tả chính sách đánh giá và lựa chọn nhà cung ứng…
Thêm vào đó, các số liệu về môi trường, nguồn nhân lực và xã hội của báo cáo cũng đã được trình bày khá đầy đủ chi tiết qua các năm cho thấy xu hướng phát triển, có các phân tích khái quát tình hình thực hiện trong năm 2017 cũng như đề cập đến mục tiêu 2018 và dài hạn. Các số liệu quan trắc cũng được tiến hành nhiều lần trong năm làm tăng thêm độ tin cậy.
Về trình bày, báo cáo vẫn trung thành với tiếp cận chân phương, mang đậm tính cách công nghiệp, sử dụng nhiều bảng biểu kết hợp với một số ít biểu đồ hoặc hình ảnh thực tế của doanh nghiệp để minh họa. Có thể, trong các kỳ báo cáo tới, doanh nghiệp nên xem xét chuyển đổi nhiều hơn các bảng số liệu sang biểu đồ để nâng cao tính trực quan và làm cho báo cáo thoáng hơn, hấp dẫn người đọc hơn.
Là một doanh nghiệp có quy mô không lớn nhưng STK đã thể hiện sự đầu tư, nỗ lực cao để có được một báo cáo phát triển bền vững riêng khá bài bản, xứng đáng được vinh danh Top 10. Hy vọng rằng, trong các năm tới, STK vẫn tiếp tục giữ vững quyết tâm và có nhiều cải tiến để có được các báo cáo ngày càng hoàn thiện hơn.
VNM
Báo cáo phát triển bền vững năm nay của VNM đã thể hiện rõ rõ sự tích hợp các hoạt động kinh doanh của mình với chiến lược phát triển bền vững.
Trong báo cáo, người đọc có thể nhìn thấy rõ sự gắn kết của các hoạt động phát triển bền vững của VNM với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Báo cáo cũng đã nêu lên rõ ràng mức độ thực hiên các mục tiêu trọng yếu của VNM trong năm 2017.
Năm nay cũng là năm đầu tiên VNM có sự đảm bảo độc lập từ bên ngoài. Mặc dù các đảm bảo cung cấp bởi PwC chỉ là đảm bảo hạn chế (đối với một số chỉ số báo cáo được lựa chọn) nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thì đây là một điểm sáng và là hành động của những người đi tiên phong.
Cũng như các năm trước, các vấn đề kỹ thuật cơ bản của một báo cáo phát triển bền vững được VNM thực hiện rất tốt, từ các bước đánh giá các bên liên quan, đánh giá tính trọng yếu cho đến việc nêu rõ ràng phạm vi báo cáo, cũng như bảng danh mục kiểm tra các tiêu chuẩn của GRI. Tuy nhiên, một điểm đáng tiếc là mặc dù VNM nói rằng báo cáo này được lập theo GRI, nhưng VNM không chỉ rõ theo lựa chọn nào, “cốt lõi” hay “toàn diện”.
Đối với chỉ số chi tiết, không như nhiều doanh nghiệp khác, VNM đã sử dụng những đơn vị đo lường có ý nghĩa (ví dụ: kg CO2/ tấn sản phẩm) và có các phân tích về các thay đổi lớn một cách rõ ràng, đầy thuyết phục.
Tuy nhiên, VNM cũng có thể làm tốt hơn nếu cung cấp thêm các mục tiêu tương ứng với từng chỉ số, thay vì chỉ báo cáo kết quả thực hiện. Điều này có thể giúp VNM tự hoàn thiện hơn các chỉ số về môi trường và xã hội thông qua việc giám sát việc hoàn thành mục tiêu trong năm.
Về hình thức, VNM có bản tiếng Anh được dịch khá chuyên nghiệp và trau chuốt, tuy vẫn có thể hoàn chỉnh hơn để đảm bảo thống nhất ý nghĩa giữa tiếng Anh và Việt. Ngoài ra, VNM cũng là một trong các báo cáo có trình bày đẹp nhất, có sáng tạo cao với những hình ảnh, biểu đồ minh họa đặc sắc làm tăng tính trực quan.
NVL
2017 là năm đầu tiên NVL lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt. Cùng với việc NVL thành lập Hội đồng Phát triển bền vững, có vẻ như NVL rất quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của mình.
Mặc dù là lần đầu tiên lập báo cáo phát triển bền vững độc lập, nhưng NVL thể hiện rất rõ ràng và chặt chẽ các vấn đề liên quan đến đánh giá trọng yếu, đánh giá các bên có liên quan cũng như phạm vi báo cáo. Báo cáo của NVL cũng được soạn lập dựa trên các chuẩn mực của GRI.
Tương tự như nhiều công ty khác trong năm nay, NVL cũng gắn kết các hoạt động của mình với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDG). Tuy nhiên, NVL không liên hệ cụ thể đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong các chỉ số của mình, dường như NVL chưa tham khảo chặt chẽ đến các hướng dẫn theo ngành của GRI. Do vậy, các chỉ số báo cáo của NVL đặc biệt liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được đầy đủ như cách NVL báo cáo các vấn đề về xã hội.
Nhìn chung, báo cáo độc lập năm đầu tiên của NVL được cấu trúc gọn gàng, trình bày dễ hiểu và sinh động. Nếu như chú ý nhiều hơn đến phần nội dung và đảm bảo công tác rà soát tốt hơn, đặc biệt là đối với phần tham chiếu đến số trang trong phần danh mục kiểm tra GRI thì NVL chắc chắn là đối thủ nặng ký với các báo cáo thuộc Top 5.
DHG
Ngoài VNM và BVH thì trong suốt nhiều năm qua, DHG luôn cho thấy họ rất nhất quán trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và việc soạn lập một báo cáo phát triển bền vững có chất lượng.
Tương tự như các năm trước, các vấn đề cơ bản trong một báo cáo phát triển bền vững được DHG trình bày rất đầy đủ và thuyết phục và chặt chẽ. Cũng như các báo cáo thuộc top đầu, năm nay, DHG cũng áp dụng các chuẩn mực của GRI và gắn kết các hoạt động của mình với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDG).
Khác với các báo cáo khác, DHG trình bày báo cáo của mình một cách gọn gàng và theo trình tự của các tiêu chuẩn GRI. Điều này, trong một chừng mực nào đó, có thể làm hạn chế khả năng trình bày báo cáo theo hướng sáng tạo hơn.
Các chỉ số của DHG công bố cũng rất đầy đủ cả về lĩnh vực môi trường và xã hội, mặc dù khi xem xét chi tiết thì có một số chỉ số chưa thực sự tuân thủ theo các hướng dẫn của GRI.
IMP
Là một trong hai công ty không lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt trong Top 10 (cùng với PVD). Tuy nhiên, không vì vậy mà chất lượng của báo cáo năm nay của IMP bị ảnh hưởng nhiều. Khác với hai năm trước đây, năm nay, IMP quyết định chỉ lập báo cáo phát triển bền vững tích hợp với báo cáo thường niên.
Vẫn như mọi năm, các thông tin cơ bản của một báo cáo phát triển bền vững như đánh giá các bên liên quan, đánh giá trọng yếu, phạm vi báo cáo… được trình bày chặt chẽ, ngoại trừ các nội dung về các bên liên quan bị lặp lại hai lần trong báo cáo.
Báo cáo năm nay IMP tham chiếu đến GRI, chứ không công bố phù hợp với các tiêu chuẩn của GRI. Có vẻ như IMP không muốn đầu tư quá nhiều vào báo cáo phát triển bền vững như các năm trước.
Đứng ở góc độ quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị IMP cũng là người lãnh đạo trực tiếp các vấn đề về phát triển bền vững tại Công ty. Điều này mang lại hiệu quả quản trị tối đa cho các hoạt động báo cáo phát triển bền vững.