“Ăn theo” sóng thủy sản, cổ phiếu ACL có tăng quá đà?

(ĐTCK) Nằm trong sóng tăng của nhóm ngành thủy sản, cổ phiếu ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang gây sự chú ý với mức tăng giá hơn 77% trong 3 tháng qua, dù trước đó giao dịch tương đương mệnh giá. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có vững, khi thanh khoản của ACL đang có dấu hiệu yếu dần?
Ảnh Internet

Cổ phiếu leo dốc

Được hưởng lợi từ nhiều yếu tố hỗ trợ cho triển vọng ngành trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh và thu về kết quả tích cực.

Theo đó, nửa đầu năm nay, doanh thu của ACL tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 51 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với nửa đầu năm 2017.

Chưa kể, hoạt động kinh doanh của Công ty được dự báo sẽ khởi sắc hơn nữa khi 2 quý còn lại của năm mới là thời điểm mùa vụ “thu hoạch”.

Với diễn biến này, cổ phiếu ACL đã tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. Cụ thể, tại mức giá kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10 là 18.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ACL đã tăng giá mạnh gần 80% trong 3 tháng trở lại đây sau khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, từ mức giá tương đương mệnh giá.

Tuy nhiên, đi cùng với đà tăng này, thanh khoản có dấu hiệu đuối dần. Khối lượng giao dịch trung bình 1 tháng trở lại đây chưa đạt đến 10.000 đơn vị/phiên.

Hiện nay, trong cơ cấu sở hữu ACL, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là bà Trần Thị Vân Loan đang nắm giữ hơn 50,24% vốn điều lệ Công ty. 4 cổ đông cá nhân khác đang sở hữu từ 3,81% - 4,71% vốn ACL đều là thành viên HĐQT. Tổng cộng các cổ đông này nắm giữ hơn 68% vốn ACL. 

Rủi ro tiềm ẩn

ACL được biết đến là một trong 10 nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Trước đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Công ty, nhưng việc quốc gia này đánh thuế chống bán phá giá cá tra ở mức cao nhất (3,87 USD/kg) trong nửa đầu năm 2018 đã khiến sản phẩm của ACL gần như bị đánh bật khỏi thị trường này.

Tuy nhiên, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng mạnh, ACL đã chuyển hướng sang Đại lục và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Dù vậy, theo các chuyên gia, đây không phải giải pháp dài hạn đối với đầu ra sản phẩm của ACL. Ban lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận, Trung Quốc dù có thể thay thế một phần sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng thực tế giá bán tại thị trường này thấp hơn nhiều, cùng một số yếu tố khiến hoạt động xuất khẩu sang Đại lục đối mặt những rủi ro nhất định.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là ACL chủ yếu thu mua nguyên liệu từ bên ngoài. Trong khi đó, do tình trạng khan hiếm nguồn cung, giá cá tra giống trên thị trường dự báo tiếp tục tăng, dù đang ở mức rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là yếu tố bất lợi đối với ACL, nhất là khi Công ty cho biết, việc quản lý rủi ro nguyên vật liệu chủ yếu nằm ở công tác dự báo, chuẩn bị nguồn nguyên liệu để hạn chế một phần tác động từ thị trường.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc và kỳ vọng tiếp tục cải thiện, nhưng cơ cấu tài chính của ACL đang bộc lộ một số vấn đề có khả năng gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên của ACL, phần lớn nguồn vốn cho hoạt động của Công ty đang được tài trợ từ vốn vay. Điều này khiến áp lực lãi vay đối với ACL không hề nhỏ, nhất là trong trường hợp hoạt động kinh doanh không mang về dòng tiền đều đặn.

6 tháng đầu năm 2018, ACL có tổng nợ phải trả là 740 tỷ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn, tương đương 730 tỷ đồng. Con số nợ đang vượt 71% so với vốn chủ sở hữu 425 tỷ đồng của ACL.

Theo thuyết minh từ Công ty, hầu hết các khoản vay này đều dưới 1 năm, trong đó đa phần chịu lãi suất thả nổi. Đây là yếu tố rủi ro không nhỏ đối với ACL, bởi nếu lãi suất vay VND tăng/giảm 2% thì tương đương lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm/tăng hơn 12,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ cấu nợ cao khiến chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay tuy giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, còn khoảng 21 tỷ đồng nhưng con số này đã tương đương hơn 36% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mà Công ty đạt được trong kỳ.

Chưa kể, rủi ro từ các khoản nợ xấu từ khách hàng cũng là vấn đề lớn. Theo thuyết minh từ ACL, Công ty hiện có khoản nợ xấu với giá trị gốc 12 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi khoảng 9 tỷ đồng. Trước đó, ACL đã phải xóa sổ hơn 12 tỷ đồng nợ khó đòi từ các khách hàng do không thu hồi được.

Hiện tại, so với kế hoạch kinh doanh năm 2018, ACL đã đạt 55,4% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vượt 62%. Với lợi nhuận trên mỗi cổ phần 6 tháng đạt 2.240 đồng, cổ phiếu ACL đang được giao dịch ở mức P/E hơn 8,2 lần.

Nếu so với bình quân ngành, dư địa tăng trưởng của cổ phiếu vẫn còn, nhưng với quy mô ở mức trung bình, mức định giá kỳ vọng đối với ACL cần có sự cân nhắc.

Các chuyên gia nhận định, cổ phiếu ACL đang tăng trong nghi ngờ, cho đến khi kết quả kinh doanh quý III được công bố. Tuy nhiên, nếu tình hình tài chính tiếp tục phụ thuộc vào vốn vay lớn như hiện nay thì rủi ro với cổ phiếu ACL sẽ lớn dần. Do đó, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo quý tới đây sẽ cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực hơn về cơ cấu nợ, bên cạnh tăng trưởng hoạt động kinh doanh.

Ngọc Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục