Tích lũy cho một chu kỳ mới
Nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 12 năm nay giao dịch khá dè dặt cả về điểm số và thanh khoản. Thị trường đang giảm điểm khá mạnh được lý giải là do tác động từ các yếu tố ngoại biên tiêu cực như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và biến động sụt giảm mạnh của TTCK Mỹ...
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán (CTCK) Dầu khí (PSI) cho rằng, quan sát diễn biến giao dịch trong tháng 12 cho thấy, xu hướng điều chỉnh của thị trường đang chiếm thế thượng phong. Tâm lý nhà đầu tư suy giảm, giao dịch khối ngoại với quy mô thấp dưới (trung bình dưới 100 tỷ đồng/phiên) là những biểu hiện rõ nét.
Xu thế điều chỉnh của VN-Index về quanh mốc 900 điểm (+/- 10 điểm) để một lần nữa kiểm tra đáy ngắn hạn đang diễn ra. “Tôi cho rằng quá trình điều chỉnh sẽ sớm kết thúc nhưng diễn biến tích lũy để đi lên sẽ cần thêm thời gian. Giai đoạn tăng trưởng tốt của TTCK có thể đến từ nửa sau của năm 2019 khi mà mọi khó khăn, những yếu tố bất lợi qua đi”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, năm 2019 sẽ là năm mà TTCK Việt Nam có diễn biến tích cực hơn năm 2018. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để có thể nói rằng, năm 2019 là năm khởi sắc của TTCK sau 1 năm mà VN-Index đang đối mặt với tăng trưởng "âm". Đây là một diễn biến đi ngược xu hướng khi 5 năm liền trước, TTCK liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó năm 2017, VN-Index cuối năm tăng trên 47% so với đầu năm.
Ở tuần giao dịch cuối cùng của năm 2018, ông Nguyễn Xuân Bách, Bộ phận phân tích chiến lược, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, đây là thời điểm các quỹ thực hiện hoạt động chốt NAV. Điều này được kỳ vọng sẽ tác động theo hướng tích cực đến diễn biến của thị trường, qua đó có thể tạo cơ hội giúp dòng tiền nội hoạt động tích cực hơn trong tuần cuối của năm.
Ngoài ra, hoạt động mua bán của khối ngoại được dự báo sẽ trở nên cân bằng hơn hoặc giảm nhẹ trong tuần giao dịch cuối của năm 2018. Các giao dịch lớn, đột biến dự kiến sẽ không diễn ra do thời điểm này trùng với kỳ nghỉ Noel của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
Cũng theo ông Bách, diễn biến giảm điểm của VN-Index trong tháng 12 nằm trong một xu thế giảm giá trung hạn của thị trường kể từ khi tạo đỉnh ở vùng 1.210 điểm và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. BVSC cho rằng, thị trường sẽ có biến động với nhiều đợt sóng nhỏ trong năm 2019.
Các giai đoạn lên xuống của thị trường sẽ được dẫn dắt bởi các câu chuyện theo xu hướng như: Nâng hạng lên thị trường mới nổi, các đợt thoái vốn nhà nước, hay Luật Chứng khoán sửa đổi…
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta cho rằng, tình hình tỷ giá đang có phần hạ nhiệt và các yếu tố vĩ mô tốt hơn dự báo cũng sẽ là cơ sở để dòng tiền dần quay lại thị trường trong thời gian sớm, đặc biệt là dòng tiền nước ngoài.
“Tôi cho rằng thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong quý I/2019 khi các yếu tố rủi ro lớn nhất qua đi. Tôi dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong đầu năm và rủi ro chính trị thế giới tạm ổn trong đầu năm sẽ là điều kiện tốt để hỗ trợ cho tình hình thị trường. Đồng thời, các câu chuyện hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP và dự báo tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đạt ở mức hơn 18%, thị trường sẽ có động lực để lấy lại xu hướng tăng trong đầu năm 2019”, ông Minh kỳ vọng.
Nhóm cổ phiếu nào đáng mua?
TTCK trong giai đoạn điều chỉnh và không có nhiều biến động về chỉ số thì dường như các cổ phiếu vừa và nhỏ có nhiều khả năng thu hút sự quan tâm hơn từ phía các nhà đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh cho rằng, vẫn có những cổ phiếu lớn thuộc các nhóm ngành cơ bản liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, thực phẩm, tiêu dùng, dầu khí, tiện ích, điện, thủy sản, dệt may…, thậm chí là vật liệu xây dựng sẽ thu hút dòng tiền.
Nhưng dòng tiền sẽ chỉ tập chung vào các mã cổ phiếu đặc biệt của các ngành nói trên chứ khó có thể "đánh lên" đồng loạt các mã trong mỗi ngành để kéo cả ngành cùng sáng. Chỉ những cổ phiếu mà DN đại diện có triển vọng kinh doanh tốt, có lợi thế cạnh tranh, định giá thấp hơn so với tài sản hoặc hưởng lợi từ tình hình vĩ mô hay câu chuyện tỷ giá sẽ có nhiều lý do để tăng giá.
“Tôi đặc biệt đánh giá cao các cổ phiếu bảo hiểm, tất nhiên là cổ phiếu hàng đầu kiểu BVH, PVI; các cổ phiếu điện, tiện tích như POW, PPC, NT2.... Nếu năm 2019 là năm mà lạm phát và tỷ giá là nỗi lo khó lường với tăng trưởng kinh tế thì việc tập trung vào các cổ phiếu dạng phòng thủ sẽ không phải là lựa chọn tồi”, ông Khánh nói.
CTCK Yuanta thì cho rằng, bất động sản và xây dựng có thể sẽ tăng trưởng trở lại và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn thị trường. Đồng thời, thời điểm cuối năm và đầu năm cũng là thời điểm tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng.
Riêng các DN bất động sản khu công nghiệp được nhiều công ty đánh giá cao do DN có khả năng hưởng lợi từ tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài và mức tăng trưởng của nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa trong nhóm ngân hàng thương mại.
Theo dự báo của nhiều CTCK, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2019 sẽ không tăng trưởng mạnh như trong năm 2018.
Tuy nhiên khối DN này duy trì đà tăng và đây là cơ sở để hỗ trợ cho giá cổ phiếu nếu giảm sâu. Cụ thể hơn, BVSC cho rằng, các nhóm ngành như dệt may, cảng biển, cao su săm lốp, công nghệ thông tin… được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với năm nay. Ngoài ra, lợi nhuận các ngành ngân hàng, bán lẻ, bất động sản… cũng sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng dù cho đà tăng bị chậm lại so với 2018, nhưng trong lòng mỗi ngành có không ít cơ hội đáng quan tâm.