Ngoại trừ thương vụ sáp nhập CTCK đầu tiên trên thị trường chứng Việt Nam, diễn ra giữa CTCK MS (MBS) và CTCK VIT đã giúp công ty hình thành sau sáp nhập là MBS ghi nhận vốn chủ sở hữu khá cao, hiện ở mức hơn 1.324 tỷ đồng (báo cáo tài chính quý IV/2016), đồng thời ghi nhận hiệu quả kinh doanh sau đó khá tích cực, còn các cặp sáp nhập khác giữa CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OSC); CTCK Phú Hưng và CTCK An Thành, CTCK Hải Phòng (HPC) và CTCK Á - Âu (AAS) đều là “phép cộng” của những công ty quy mô nhỏ, ít tên tuổi, hiệu quả hoạt động sau hợp nhất vẫn mờ nhạt.
Điều này rất có thể sẽ lặp lại với thương vụ sáp nhập JSI và IVS, khi mà cả hai công ty đều thể hiện thành tích kinh doanh kém cỏi. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra vào ngày 11/3 tới, HĐQT của JSI sẽ trình đại hội xem xét thông qua về mặt nguyên tắc đối với phương án sáp nhập JSI và IVS.
Ra mắt thị trường năm 2009 với tên gọi ban đầu là CTCK Hoa Anh Đào, sự xuất hiện của cổ đông sáng lập dày dạn kinh nghiệm đến từ Nhật Bản là Tanamark Investment Limited, CTCK Aizawa và CTCK Japan Asia thuộc Asia Holdings tại JSI mang lại kỳ vọng sẽ không chỉ tạo ra một phong cách hoạt động mới trên thị trường Việt Nam, mà còn tạo ra sức cạnh tranh khác biệt, thu về hiệu quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, hoạt động thực tế của JSI cho thấy kết quả ngược lại, khi liên tiếp là chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ trong 8 năm trên thị trường.
Theo báo cáo tài chính mới nhất mà JSI công bố đến thời điểm này (báo cáo tài chính quý IV/2016), năm 2016, Công ty lỗ hơn 4,4 tỷ đồng, qua đó đẩy khoản lỗ lũy kế lên gần 11 tỷ đồng. Thua lỗ triền miên khiến vốn chủ sở hữu của JSI chỉ còn 30,7 tỷ đồng, buộc các cổ đông phải “bơm” thêm 6 tỷ đồng để tránh nguy cơ Công ty bị đóng cửa hoạt động. Có thể đây là “giọt nước tràn ly”, khiến JSI phải tìm cách sáp nhập với IVS để tránh cái kết không mong đợi, mặc dù lý do sáp nhập đến nay vẫn chưa được cả hai tiết lộ.
Bà Lê Thị Hồng Thúy, người công bố thông tin của JSI cho biết, do phương án sáp nhập đang trong quá trình đàm phán giữa hai bên, nên chưa thể tiết lộ các thông tin về lý do sáp nhập, công ty hình thành sau sáp nhập xóa tên JSI hay IVS, hay cả hai để hình thành một công ty mới.
Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán, trong ngày mai (11/3), phương án sáp nhập JSI và IVS phải trình ra đại hội xem xét thông qua, vậy tại sao hiện vẫn chưa thể công khai chi tiết thông tin theo quy định để cổ đông nắm bắt trước khi đưa ra quyết định, cơ cấu cổ đông của JSI hiện như thế nào..., bà Thúy cho biết, chủ trương của Ban giám đốc JSI là hiện chưa thể công khai các thông tin này.
Hoạt động kinh doanh của IVS cũng mờ nhạt, dù công ty này từng có cổ đông chiến lược là đối tác từ Trung Quốc. Theo báo cáo tài chính quý IV/2016, năm vừa qua, IVS ghi nhận khoản lãi bèo 512,3 triệu đồng, trong khi năm 2015 lãi hơn 5,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của IVS chốt năm 2016 là 342,8 tỷ đồng.
Như vậy, nếu phương án sáp nhập được cổ đông của hai công ty thông qua và được triển khai, thì vốn chủ sở hữu của CTCK hình thành sau sáp nhập khoảng 373 tỷ đồng. Mức vốn này được coi là khó giúp cho công ty hình thành sau sáp nhập đủ sức tham gia triển khai các nghiệp vụ mới đòi hỏi năng lực tài chính và hiệu quả kinh doanh cao như: phái sinh; mua, bán chứng khoán trong ngày…
Mặt khác, phép cộng JSI và IVS cũng chưa khắc phục cho nhau những điểm yếu, đồng thời phát huy thế mạnh, bởi cả hai đều có thị trường, địa bàn hoạt động chính là Hà Nội. Hiện tại, trong cơ cấu hội đồng quản trị của IVS hiện có 4/9 người đến từ Trung Quốc, với tỷ lệ cổ phần sở hữu đến cuối năm 2016 là 9,36%. Đặc điểm này chưa mang lại lợi thế cạnh tranh cho IVS trong thời gian qua, nên cũng khó kỳ vọng có sự thay đổi trong thời gian tới. Phép cộng JSI và IVS sẽ mang lại cho công ty mới những giá trị nào vẫn còn là ẩn số.