Ẩn số lãi dự thu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu lợi nhuận năm 2021 chính thức cũng như dự kiến được các ngân hàng công bố đều rất khả quan, song yếu tố bền vững được để ngỏ…
 Nếu trích lập dự phòng rủi ro ngay bây giờ thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh. Ảnh: Dũng Minh Nếu trích lập dự phòng rủi ro ngay bây giờ thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận 2021 tiếp tục tăng cao

Thông tin tại buổi tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Vietcombank (mã VCB) cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 26.473 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2020.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank thông tin, thu nhập thuần từ phí dịch vụ và thanh toán thương mại tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm 17,7% trong tổng thu nhập hoạt động kinh doanh; doanh số thanh toán và sử dụng tăng 19,2% so với năm 2020; thu bancassurance đạt 2.353 tỷ đồng, đóng góp 20% tổng doanh thu ngoài lãi; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng 12% so với năm 2020 và chiếm 37,4% tổng thu ngoài lãi.

Với VietinBank (mã CTG), Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho hay, về cơ bản, Ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cho năm 2021, trong đó lợi nhuận ước đạt 16.950 tỷ đồng.

Theo ông Bình, với chiến lược “Khách hàng là trung tâm”, VietinBank đã triển khai các chủ điểm kinh doanh theo hướng cung cấp giải pháp dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho khách hàng. Theo đó, thu ngoài lãi tăng 20%, tỷ lệ chuyển dịch kênh số ở mức cao (đạt 80% đối với khách hàng cá nhân, 65% đối với khách hàng tổ chức), số lượng giao dịch tăng gấp 10 lần, số lượng khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số tăng 53%, khách hàng tổ chức tăng gấp 5 lần so với năm 2020…

Tại Agribank, thông tin tại buổi tổng kết hoạt động Ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng; lợi nhuận đạt 14.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn tính đến 31/12/2021 đạt 873.703 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ và gần 40% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Số liệu được công bố tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2022 của BIDV (mã BID) cho thấy, tính đến 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng đều đạt kế hoạch đề ra. Điểm đáng chú ý là dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI tăng tương ứng 15% và 21%. Được biết, năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 13.000 tỷ đồng.

Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, TPBank (mã TPB) tiếp tục giữ thông lệ là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 19% so với quý trước đó và tăng 20% so với cùng kỳ 2020. Đến hết năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch đặt ra; tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30%. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPBank đã có những điều chỉnh hợp lý nhằm đa dạng hóa nguồn thu. TPBank triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ‘không tiếp xúc’ của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt, TPBank tập trung khai thác lượng khách hàng với chất lượng rất tốt, tỷ lệ rủi ro thấp.”

Với MSB (mã MSB), lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.168 tỷ đồng, theo số liệu của riêng mảng ngân hàng, vượt gần 58% so với kế hoạch 3.280 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng thông qua hồi đầu năm. Tín dụng tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần đạt 6.112 tỷ đồng, tăng gần 30% và chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của MSB. Đặc biệt, nguồn thu ngoài lãi tăng 92% với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần.

Ẩn số lãi dự thu

Theo các chuyên gia phân tích, lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Chẳng hạn, tại Techcombank (mã TCB), lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh ở mức 22%.

Hoạt động tín dụng của Sacombank (mã STB) đã hồi phục mạnh mẽ trong quý IV/2021 (so với quý III/2021) do nhu cầu vay tăng mạnh sau giãn cách xã hội, qua đó lợi nhuận năm 2021 dự kiến đạt 4.200-4.400 tỷ đồng (tăng 27-32% so với năm 2020).

Tín dụng của VIB (mã VIB) cũng tăng mạnh trở lại trong quý IV/2021 (ở mức 19%) với tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) được mở rộng và hoạt động bancassurance phục hồi. Theo đó, lãi trước thuế quý IV/2021 ước đạt 2.270 tỷ đồng, tăng 64% so với quý trước đó và tăng 28% so với cùng kỳ 2020.

Tại MBBank (mã MBB), nhờ tín dụng tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12/2021 nên lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2020.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, sự ra đời của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng với với tín dụng phục hồi mạnh trong quý IV/2021 đã phần nào giải quyết được mối lo lớn về nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank đã trích lập dự phòng 100% phần dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước, cùng với đó là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%, tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với 424%.

Còn ông Trần Minh Bình thông tin: “Tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank được kiểm soát ở mức thấp 1,3% và đây là số liệu thực, không phải là số liệu kỹ thuật. Ngân hàng cũng có nhiều khoản dư nợ lớn cần đánh giá thận trọng và đã trích lập nhằm đảm bảo an toàn hoạt động năm 2022. Với tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 171%, Ngân hàng tiếp tục củng cố tiềm lực tài chính để chống đỡ các kịch bản dịch bệnh năm 2022”.

Đáng chú ý, tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN được Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết kiểm soát ở mức 0,81%, giảm gần một nửa so với năm 2020; tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm phần trăm so với năm 2020 và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 235%, cao nhất trong những năm gần đây.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho biết, trong quý IV/2021, kết quả hoạt động của các tổ chức tín dụng cải thiện đáng kể so với quý trước đó. Hầu hết tổ chức tín dụng đánh giá, cả yếu tố nội tại lẫn khách quan đều tác động tích cực, giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý III/2021. Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có dấu hiệu tăng chậm lại trong quý IV/2021 so với quý trước đó.

Trong diễn biến có liên quan, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, lợi nhuận các ngân hàng hiện vẫn cao chủ yếu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, đồng thời giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, từ đó chưa phải trích lập dự phòng rủi ro (kéo dài trong 3 năm), dẫn tới giảm được chi phí.

“Bởi vậy, mức lợi nhuận cao mà các ngân hàng công bố đó chính là lãi dự thu (lợi nhuận dự kiến) và nếu trừ đi khoản này, con số này sẽ giảm mạnh. Tình hình dịch bệnh khiến nợ xấu tăng nhanh, nếu trích lập dự phòng rủi ro ngay bây giờ sẽ ‘đánh’ thẳng vào lợi nhuận các ngân hàng. Với thực tế này, có thể khẳng định, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng không bền vững”, ông Nghĩa nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục