Than tạo ra khoảng 60% điện năng của Indonesia và nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra vận may cho một số tập đoàn kinh doanh quyền lực nhất của quốc gia này. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm gia tăng nhu cầu than toàn cầu, thúc đẩy lợi nhuận của các công ty khai thác than.
Indonesia có quy mô dân số lớn thứ tư thế giới và là nhà sản xuất than lớn thứ hai. Sản lượng than của nước này bắt đầu tăng cao vào những năm 1990. Dự đoán nhu cầu điện sẽ bùng nổ, Chính phủ Indonesia, dưới thời Tổng thống Jokowi, bắt đầu đầu tư mạnh vào điện than. Năm 2015, Indonesia đã khởi động chương trình xây dựng công suất điện mới 35.000 MW, phần lớn được hỗ trợ bởi thêm 117 nhà máy nhiệt điện than mới. Đến năm 2020, sản lượng điện đã tăng hơn 5 lần trong gần hai thập kỷ.
Nguồn cung đã vượt so với nhu cầu điện của quốc gia này. Theo Viện Cải cách dịch vụ thiết yếu, khi công suất bổ sung được đưa vào hoạt động và một số trong số đó chậm hơn kế hoạch nhiều năm, nó có thể tạo ra thặng dư điện năng tới 40%.
Mục tiêu của Indonesia là đến năm 2030 giảm lượng khí thải từ 29- 41%. Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu này là ngừng hoạt động sớm các nhà máy điện than đã cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu và giảm trợ cấp.
Nhưng Indonesia có những vấn đề riêng cần vượt qua. Chính phủ yêu cầu các công ty khai thác than bán ít nhất một phần tư nguồn cung trong nước với giá giới hạn 70 USD/tấn cho loại than chất lượng cao nhất, thấp hơn nhiều so với mức 400 USD/tấn trên thị trường toàn cầu hiện nay. Điều đó có nghĩa là công ty công ích bang Perusahaan Listrik Negara (PTN) có thể sản xuất điện với giá rẻ hơn so với chi phí sản xuất điện xanh.
Tệ hơn nữa, PLN đã ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy than, trong đó nhiều nhà máy hoạt động dưới mức công suất. Vì vậy, khi nhu cầu tăng lên, PLN có thể nhập thêm than từ các nhà máy này mà không tốn thêm chi phí, điều này rất khó bị đánh bại, bất kể năng lượng mặt trời rẻ đến mức nào.
Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành tại Viện Cải cách dịch vụ thiết yếu có trụ sở tại Jakarta cho biết, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch “phải tuân theo khung thời gian và nhu cầu của PLN, không có biện pháp nào khác nếu thỏa thuận với PLN không thành công”.
Than vẫn là trung tâm của nguồn cung cấp năng lượng của Indonesia, với sản lượng ở mức kỷ lục. Ngay cả khi tạm dừng cấp phép các dự án điện than mới, các nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng ở quốc gia này sẽ bổ sung thêm 14 GW công suất trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Năm nay, Tổng thống Jokowi đã động thổ nhà máy khí hóa than đầu tiên của quốc gia, có giá trị 2,3 tỷ USD.
Tại các khu vực khai thác than như Đông Kalimantan, địa điểm được đề xuất là thủ đô mới của Indonesia, than chiếm gần một nửa nền kinh tế, theo Tumiwa tại IESR. Nhu cầu từ nước ngoài gia tăng kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine đã khiến cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ tăng vọt. Cổ phiếu của công ty khai thác PT Adaro Minerals Indonesia đã tăng hơn 1.500% kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 1/2022.
Theo một nghiên cứu của IESR năm ngoái, Indonesia có tiềm năng về lý thuyết để đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của thế giới từ năng lượng tái tạo, nhưng nước này có ít tấm pin mặt trời hơn Na Uy và hầu như chưa bắt đầu khai thác các nguồn gió và địa nhiệt dồi dào.
Tuy vậy, gần đây, cũng có một số dấu hiệu tiến triển trong chuyển đổi năng lượng của quốc gia này. Năm ngoái, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đưa ra một kế hoạch trị giá hàng tỷ đô-la nhằm giúp Indonesia và
Philippines ngừng hoạt động 50% các nhà máy điện than của họ trong vòng 10 - 15 năm tới. Theo Tumiwa, Indonesia cho biết họ sẽ ngừng hoạt động một số nhà máy điện sớm hơn dự kiến, với tổng công suất có thể lên tới 9,3 GW đến năm 2030.
“Indonesia sẽ là đối tác tiếp theo của chúng tôi”, Cố vấn khí hậu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ John Morton cho biết tại một sự kiện với Trung tâm Phát triển Toàn cầu vào đầu tháng Năm.