Những bí ẩn đền tháp Champa
Vì mê văn hóa Champa, tôi cùng một đồng nghiệp cưỡi “ngựa máy” hướng về miền đất Quảng. Nơi ấy có Mỹ Sơn, khu thánh địa linh thiêng của vương triều Champa cổ! Dù đã tham quan thánh địa Mỹ Sơn nhiều lần nhưng đền tháp Champa nơi đây vẫn có sức hút kỳ lạ.
Trước khi đến với các đền tháp, chúng tôi đến thăm Nhà trưng bày hiện vật Mỹ Sơn được xây dựng vào năm 2005 tọa lạc khá gần khu thánh địa Mỹ Sơn.
Tại đây, tỉnh Quảng Nam đã cho trưng bày những hiện vật gốc của thánh địa Mỹ Sơn như bia ký, phù điêu, linga, yoni, gạch ngói… Cũng tại nơi đây, tôi gặp được họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, một người “mê” Chăm đến mức lạ lùng.
Có lẽ sau kiến trúc sư Kazik (Ba Lan), người họa sĩ này là người này gắn bó với Mỹ Sơn lâu nhất, đến mức ai cũng gọi ông là “họa sĩ Chăm”.
Điều này được thực chứng ngay khi chúng tôi mục kích những bức tường đền tháp Mỹ Sơn giả định vẽ chính xác đến từng chi tiết trong Nhà trưng bày, là thành quả sau nhiều tháng năm lao động miệt mài bên cạnh đền tháp Mỹ Sơn của “họa sĩ Chăm” Nguyễn Thượng Hỷ.
Men theo con đường nhỏ mà người xưa từng đi, chúng tôi len lỏi qua từng tán cây rừng và dần lạc bước vào một thế giới tâm linh huyền ảo. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục ngôi đền tháp đỏ rực như lửa, cao hàng chục mét vươn lên giữa rừng già chằng chịt những rễ cây lộ thiên như những mạch máu sinh vật sống.
Các đền tháp Champa có kích thước khiêm tốn hơn rất nhiều lần so với các Kim tự tháp Ai Cập nhưng lại được xây bằng gạch, thứ nguyên liệu nhỏ, nhẹ hơn rất nhiều so với nguyên liệu đá. Và điều đặc biệt là không hề phát hiện có những mạch vữa giữa các viên gạch ở các đền tháp Champa.
Vậy nếu không có chất kết dính thì làm sao người Chăm xưa có thể tạo nên một tòa tháp bằng gạch cao hàng chục mét? Đó là chưa kể những bức phù điêu gắn xung quanh thân và phần vòm đền tháp Champa đều làm bằng đá sa thạch.
Nếu không có chất kết dính thì làm sao có thể “gắn” những bức phù điêu vào bức tường gạch? Và liệu các lớp gạch không có kết dính có thể chịu được sức nặng của vòm bằng đá sa thạch từ phần mái hay không?
Bên cạnh đó, việc xây đền tháp Champa bằng gạch được nung từ trước hay dùng gạch chưa nung? Bởi theo truyền thuyết dân gian còn truyền ở các làng Chăm tại Ninh Thuận là tháp được xây bằng gạch mộc còn ướt chưa nung.
Nếu dùng gạch đã nung để xây đền tháp Champa thì liệu có thể xếp được các viên gạch thành một tòa tháp với kiến trúc rất tinh vi và phức tạp không, nếu không có chất kết dính?
Nếu dùng gạch chưa nung thì làm sao để tạo ra vòm bằng sa thạch khi các trụ đứng bằng thứ đất sét yếu ớt khó có thể chống đỡ sức tan chảy của chính nó bởi ngọn lửa khổng lồ đang nung “chín” toàn bộ ngôi đền tháp?
Nghĩa là, xây đền tháp Champa bằng gạch chưa nung thì chắc chắn không thể tạo ra vòm sa thạch và thân tháp sẽ cực kỳ yếu và dễ sụp đổ. Phải chăng người Chăm xưa đã sử dụng đến sức mạnh của thần linh để tạc nên những hình khối tôn giáo?
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng: “Nung toàn khối không phải là kỹ thuật xây tháp của người Chăm xưa. Bởi gạch Chăm bình quân 6 phân, 10 viên 6 tấc, 100 viên 6m, 1.000 viên 60m. Tuy nhiên, trên thực tế nếu sắp 200 viên gạch không có kết dính thì nhất định sẽ bị sụp đổ. Trong khi đó các tháp ở Mỹ Sơn lại cao đến 24m, gấp đôi giới hạn chịu đựng của các tầng gạch”.
Điều đặc biệt hơn nữa, những bức tường gạch của các đền tháp Champa đều không bao giờ bị rêu phong, đen sạm bởi sương gió, ngoại trừ bị vỡ, bị tách biệt khỏi môi trường kiến trúc tự nhiên. Chỉ có một màu đỏ và… đỏ rực như ngọn lửa Apsara.
Trong khi đó, nếu sử dụng gạch hiện đại để phục chế thì chỉ một thời gian ngắn sau “điểm phục chế” lại bị rêu phong và đen sạm một cách rất… mất mỹ quan.
Phát biểu trong một hội thảo về Champa được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7/2012, GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: “Ngay cả vấn đề giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”.
Vấn đề thẩm mỹ trong trùng tu
Một cách tu bổ “làm mới”, “trẻ hóa” dễ chấp nhận bởi người dân địa phương nhưng những du khách sẽ ngoảnh mặt đi với giá trị của di sản kiến trúc cổ xưa.
“Điều gì xảy ra khi khách du lịch chẳng thèm xem bức tranh chép lại thật khéo tay về chân dung nàng Mona Lisa của danh họa Phục Hưng Leonard de Vinci nhưng họ sẵn sàng tốn tiền đến bảo tàng Louvre ở Pais nước Pháp xa xôi ở để xem bản gốc dù đã sờn mòn theo thời gian?” - Đó là câu hỏi mà “họa sĩ Chăm” Nguyễn Thượng Hỷ đặt ra cho công tác bảo tồn đền tháp Champa hiện nay.
GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính nhận định: “Di sản nghệ thuật kiến trúc Chăm, nhìn sâu xa vào mức độ quý hiếm, mức độ mất mát, đòi hỏi ở các nhà bảo tồn và các nhà trùng tu, trên hết và trước hết, đó là sự duy trì lâu dài, không bị mất mát thêm và không bị sai lệch”.
Với mục tiêu và nguyên tắc trên, những giải pháp tương thích đang bắt đầu được đặt ra và nghiên cứu. Đầu tiên, đó là phương pháp “gia cố” (cosolidation).
Trong những năm qua, các tháp Chăm được gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật mới như: xây bổ khuyết để chịu lực cho các mảng tường bị đổ, khoan neo các vị trí nứt lớn trên tường tháp bằng các chốt thép, gia cố bằng đai bê tông cốt thép được đặt ngầm trong thân tháp.
“Tuy bị chống nạng, chịu sự chắp vá không thể tránh khỏi, Mỹ Sơn vẫn đứng vững với những gì được phân biệt rõ ràng là nguyên thủy, để hôm nay được công nhận là di sản thế giới và được chiêm ngưỡng” - GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính nhận định.
Tiếp theo là phương pháp “tái định vị” (anastilosis).của Đại học Milan (Italia) đang sử dụng phổ biến hiện nay tại khu thánh địa Mỹ Sơn. “Tái định vị” được hiểu là sự xếp đặt về chỗ ban đầu các bộ phận và thành phần nguyên gốc của di tích, bị xê dịch do những tác động hủy hoại hoặc do việc xây cất lại.
Chính nhờ phương pháp này mà các nhóm tháp C, D và A ở Mỹ Sơn đã được định hình lại một phần, vực dậy từ đống đổ nát hầu như không còn hình hài.
Việc “khôi phục từng phần” (partial hoặc fragmentary restoration) cũng được đặt ra. Mục đích của khôi phục từng phần trước hết là để khôi phục khả năng chịu lực của cấu trúc di tích và một phần để khôi phục hình dáng cơ bản của nó.
Tuy nhiên, “tuyệt đối không đặt vấn đề khôi phục nguyên vẹn di tích về dạng ban đầu. Chỉ khôi phục từng phần, trên cơ sở những căn cứ khoa học chắc chắn và tại chỗ” - GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính khẳng định.
PGS.TS.Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì cho rằng: “Việc tu bổ các kiến trúc Chăm bằng gạch hoàn toàn không giống như tu sửa, phục hồi các công trình di tích kiến trúc bằng gỗ của người Việt hiện đang là thế mạnh của các cơ quan tu sửa di tích Việt Nam.
Yêu cầu cơ bản đối với các di tích và phế tích Chăm là gia cố, tu sửa và có thể khôi phục từng phần song chưa nên phục hồi di tích nếu chưa có các tư liệu xác thực của di tích”.
Trước đó, TS. Pierre Pichard - Trưởng ban Cố vấn Khoa học quốc tế, người có nhiều năm tham gia trùng tu khu đền tháp Angkor ở Campuchia lưu ý các nhà chuyên môn Việt Nam rằng: “Cần hết sức tôn trọng tri thức bản địa từ việc sản xuất gạch truyền thống và chất kết dính truyền thống.
Nhưng đừng dẫn đến quan niệm lệch hướng là suy nghĩ rằng khi đã tìm ra chất kết dính là có thể phục hồi, phục chế được toàn bộ các kiến trúc tại khu kiến trúc được xếp hạng di sản văn hóa thế giới”.
Đền tháp Champa có “nguồn gốc Ấn Độ”?
Ông Nguyễn Hữu Thông cho rằng, việc xây dựng đền tháp Champa có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ.
“Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Cuộc buôn bán đã diễn ra rất hời cho bên các thương nhân Ấn Độ.
Họ bán các loại hàng hóa rẻ tiền rất được giá và mua về Ấn Độ sừng tê giác, vàng bạc. Do đó, họ đã hào phóng “biếu” cho các ông vua Chăm của những tiểu quốc Champa những tòa tháp Chăm để lưu dấu vương quyền của các ông vua này.
Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển để tìm kiếm sự mưu sinh”, ông Thông kiến giải.
Tại Hội thảo về Champa được tổ chức vào tháng 7/2012 tại Đà Nẵng, ông J.C. Sharma, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng:
“Những ảnh hưởng của Ấn Độ được thừa nhận rộng rãi lên nghệ thuật Champa bắt nguồn từ các trường phái nghệ thuật Amaravati, Gupta, Chalukya và Pallava. Dấu vết của các trường phái Pala hay Sena cũng được tìm thấy. Hợp lý khi cho rằng, một số thợ thủ công, đặc biệt là các nhà điêu khắc, hẳn phải đến từ Ấn Độ.
Họ hẳn đã giới thiệu trực tiếp đến đây một vài đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của quê hương họ. Sự ảnh hưởng gián tiếp từ Ấn Độ đến Champa còn qua sự tương tác của Champa với Camboge, Java, Siam và Sri Lanka”.
“Gạch, vật liệu xây dựng chính được sử dụng bởi các nghệ nhân Chăm, cũng đã được sử dụng tại Ấn Độ… Gần đây tôi đã đến thăm một ngôi đền vào thời Gupta ở Sirpur, Chhatisgarh. Ngôi đền gạch này có sự tương đồng rõ ràng với các ngôi đền gạch ở Champa”, ông J.C. Sharma khẳng định.