Ai mua Becamex ở mức P/E 170 lần?
Nếu Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công ở mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu thì Công ty này sẽ góp mặt vào nhóm những cổ phiếu có P/E cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Theo báo cáo tài chính quý II/2017, Becamex hiện có vốn góp của chủ sở hữu xấp xỉ 8.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ có 2,87 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được tỉnh Bình Dương phê duyệt thì Becamex sẽ cổ phần hóa theo cách giữ nguyên phần vốn Nhà nước, thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, với vốn điều lệ dự kiến tặng lên đến 13.170 tỷ đồng, Becamex chào bán ra công chúng (IPO) 23,63% cổ phần, chào bán cho người lao động 0,37% vốn điều lệ, cổ đông Nhà nước nắm giữ 51% vốn cổ phần. Tỷ lệ còn lại là 25% sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược sau khi IPO. Trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư bên ngoài không thành công thì tỉnh Bỉnh Dương sẽ xem xét điều chỉnh vốn điều lệ theo thực tế.
Theo Bản công bố thông tin IPO, Becamex với vốn điều lệ dự kiến 13.170 tỷ đồng thì lợi nhuận dự kiến năm 2017 là 240 tỷ đồng. Nếu định giá theo phương pháp P/E thông thường thì cổ phiếu Becamex được định giá khởi điểm ở mức P/E 172 lần dự kiến của năm 2017.
Sau cổ phần hóa, năm 2018, Becamex dự kiến lợi nhuận là 288 tỷ đồng và 346 tỷ đồng vào năm 2019. Kết quả kinh doanh dự kiến này không làm giảm chỉ số P/E của Becamex được bao nhiêu. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chỉ 1% hay 2% mỗi năm cũng không đáng kể so với mức giá 31.000 đồng/cổ phiếu.
Ẩn số đấu giá Becamex
Ở mức định giá quá cao so với dòng thu nhập hiện tại và 2 năm nữa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với doanh nghiệp đặc thù như Becamex thì việc định giá theo P/E sẽ không hợp lý.
Becamex đang sở hữu 14 khu công nghiệp, nhiều nhất cả nước với tổng diện tích hơn 10.456 héc-ta, chiếm 11,4% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam. Diện tích Khu công nghiệp của Becamex lớn gấp 1,5 lần diện tích đất khu công nghiệp của Idico, doanh nghiệp xếp hàng thứ 2 về khu công nghiệp vừa đấu giá thành công với giá bình quân gần 24.000 đồng/cổ phiếu.
Liên doanh VSIP mà Becamex sở hữu 49% vốn góp là nhà phát triển khu công nghiệp nổi tiếng trong cả nước. Trong khi Becamex sở hữu khu công nghiệp chủ yếu tại Bình Dương thì VSIP đang mở rộng hoạt động ra cả nước như Hải Phòng, Quảng Ngãi, Nghệ An… Liên doanh VSIP đóng góp đáng kể nguồn thu cho Becamex. Trong khi đó bản thân Becamex cũng mở rộng phát triển ra các tỉnh như Bình Phước, Hải Phòng.
Theo thông tin công bố, quỹ đất còn lại để kinh doanh của Becamex rất lớn, lên đến 3.596 ha và bao gồm cả đất khu công nghiệp lẫn đất khu dân cư. Giá trị thị trường của quỹ đất trên vào khoảng 86,4 - 94,9 ngàn tỷ đồng theo định giá của một công ty chứng khoán lớn và đủ để kinh doanh trong ít nhất 10 năm nữa.
Trong khi quỹ đất phát triển khu công nghiệp mang lại nguồn thu ổn định thì quỹ đất khu dân cư mới thực sự là đảo giấu vàng của Becamex. Với việc trực tiếp phát triển các khu dân cư được quy hoạch động bộ liền sát các khu công nghiệp, Becamex đã hưởng trọn chênh lệch địa tô từ việc hoạt động phát triển của các khu công nghiệp của chính mình.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Dương, Becamex đang phát triển bất động sản nhà ở tại các dự án khu dân cư đa dạng ở các phân khúc thu hút người lao động nhập cư. Hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi thị trường bất động sản trầm lắng mấy năm trước khiến việc phát triển các khu dân cư chậm hơn dự kiến nên Becamex sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn.
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Becamex ở quanh mức 1,8 lần các năm gần đây và tỷ trọng lãi vay trên EBITDA của Becamex cũng ngày càng tăng qua các năm. Việc huy động vốn thành công sẽ giúp Becamex giảm tỷ lệ nợ xuống, đáp ứng nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Liệu cuộc đấu giá Becamex có nóng như đấu giá Idico khi Becamex gần như không có động thái nào về truyền thông đại chúng trước thềm IPO, không tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư giới thiệu cơ hội đầu tư giống như Idico? Đơn vị tư vấn (CTCK Bản Việt) cho rằng, cần chờ ngày 29/11 khi chốt danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá mới có thể định hình được.
Từ thị trường, có ý kiến cho rằng, việc Becamex “im lìm” trước cuộc đấu giá có thể là do phía UBND tỉnh Bình Dương vẫn muốn duy trì tỷ lệ sở hữu cao ở DN thay vì phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% như kế hoạch cổ phần hóa. Ẩn số đấu giá Becamex đang lớn dần theo sự lặng lẽ của đợt bán vốn này.