Án lệ theo Nghị định 03/2015: Lộ nhiều bất cập

(ĐTCK) Nghị quyết 03 về án lệ ra đời năm 2015 và đã có 26 án lệ trong các lĩnh vực được ban hành sau đó với kỳ vọng tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của tòa, nhưng sau hơn 3 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập...
Án lệ theo Nghị định 03/2015: Lộ nhiều bất cập

Cuối tháng 4/2019, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HÐTP về án lệ và Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ của Việt Nam.

Trở lại năm 2015 - thời điểm Nghị quyết 03 ra đời, đã có 26 án lệ trong các lĩnh vực gồm hình sự, kinh doanh - thương mại, dân sự, hành chính, bảo hiểm, thừa kế... được ban hành sau đó. Lúc này, tòa án đánh giá, các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của tòa, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các tòa án.

Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng trên thực tế, Nghị quyết 03 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, đó là chưa có quy trình thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ tại phiên tòa Giám đốc thẩm; quy trình “hủy bỏ, thay thế án lệ” chưa thực sự phù hợp.

Một số hướng dẫn của Nghị quyết còn chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng; quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, chưa hiệu quả... Ðặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của tòa án, dẫn đến việc dẫn án lệ không thống nhất.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh, trong số các án lệ đã ban hành, án lệ liên quan đến lãi suất làm tăng tính thống nhất trong việc xét xử các vụ án kinh doanh - thương mại, đặc biệt là hạn chế tối đa việc tính lãi phạt chậm trả (lãi chồng lãi).

Vậy nhưng, qua thực tiễn xét xử cho thấy, phần lớn việc áp dụng án lệ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng bởi khó xác định thế nào là “tương tự”. Trong Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra bất cập này, khi nhiều thẩm phán gặp khó khăn trong việc xác định sự kiện trong vụ án có thực sự “tương tự” hay không, dẫn đến không biết khi nào và làm thế nào để áp dụng được án lệ sẵn có. Ðây là thách thức chính trong quá trình áp dụng án lệ.

Ðơn cử, việc xác định lỗi phạt cọc vì lý do khách quan như cấp chính quyền chậm trễ làm thủ tục sang tên, hoặc cung cấp giấy tờ liên quan. Án lệ số 25 xác định, vì lý do khách quan sẽ không phải chịu phạt cọc.

Minh chứng thực tế, tại một vụ việc xảy ra mới đây, bà H. thỏa thuận bán cho ông L. căn nhà ở TP.HCM do bà đứng tên mua đấu giá của cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố. Sau khi thỏa thuận, ông L. đã đặt cọc 2 tỷ đồng. Các bên thỏa thuận, bên bán phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà trên, sau đó hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán công chứng. Nếu vi phạm thời hạn, bên bán phải chiu phạt số tiền tương đương tiền cọc.

Ðến hạn, bên bán không thực hiện như cam kết do cơ quan thi hành án chậm sang tên sở hữu nhà cho bà H, nên bà không thể chuyển tên cho bên mua. Quyết định Giám đốc thẩm cho biết, nếu có căn cứ xác định cơ quan thi hành án dân sự chậm trễ trong việc chuyển tên quyền sở hữu cho bà H. thì lỗi dẫn tới việc bà H. không thể thực hiện đúng cam kết với ông L. là khách quan. Do đó, bà H. không phải chịu phạt tiền cọc.

Tuy nhiên, trong vụ án có tính chất tương tự, tòa án ở tỉnh Bến Tre vẫn xác định bên bán có lỗi vì không chủ động cung cấp thông tin để trích lục họa đồ thửa đất. Trong khi hồ sơ vụ án thể hiện, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không thể cung cấp họa đồ vị trí thửa đất chuyển nhượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có sự phân biệt rõ ràng giữa các sự kiện của vụ án và pháp luật liên quan để quyết định khi nào và bằng cách nào sử dụng án lệ.          

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục