Gỡ rối lãi suất
Bắt đầu từ tháng 5/2016, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định công bố 6 án lệ đầu tiên. Tiếp sau đó, 4 án lệ về kinh doanh thương mại, dân sự, hành chính lần lượt ra đời. Đặc biệt, án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm và án lệ số 09/2016/AL xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Đây là 2 án lệ được áp dụng khá phổ biến trong các tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh tế.
Điển hình là bản án sơ thẩm ngày 22/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định vận dụng án lệ số 09 khi giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa giữa Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp Hodeco (Hodeco) và Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí 2 (Dầu khí 2). Tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh tế ký ngày 1/12/2011.
Theo đó, Hodeco bán cho đối tác bê tông tươi để thực hiện công trình Tòa nhà văn phòng PV Gas D&PV Gas tại phường Thống Nhất, thành phố Vũng Tàu. Hình thức thanh toán dựa trên khối lượng thực tế trên phiếu giao hàng vào mỗi đợt cung cấp hàng. Thời hạn thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày cung cấp hóa đơn.
Hai bên thỏa thuận lãi suất chậm thanh toán theo lãi suất Ngân hàng BIDV, nhưng không quá 7 ngày. Hodeco đã tiến hành giao và bơm bê tông từ ngày 26/12/2011 đến ngày 26/3/2012, với số lượng 512,6 m2, thành tiền là 681,1 triệu đồng. Tính đến ngày 28/2/2017, tổng số tiền Dầu khí 2 thanh toán cho Hodeco là 436 triệu đồng.
Hai bên xác nhận công nợ còn lại là 244,9 triệu đồng. Hodeco buộc Dầu khí 2 thanh toán nợ trên kèm lãi suất chậm thanh toán từ năm 2012 - 2017 theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 9%/năm trên số nợ gốc, thành 169,2 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty đòi nợ là 414,1 triệu đồng.
Hợp đồng có quy định lãi suất quá hạn do chậm thanh toán tính theo lãi suất ngân hàng, nhưng thực tế, hai doanh nghiệp không chỉ rõ là lãi suất cho vay hay lãi suất vay cũng như thời hạn vay. Các bên không thống nhất phương án thỏa thuận tối ưu. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định căn cứ vào Điều 306, Luật Thương mại nhận định, Hodeco yêu cầu đòi tiền lãi quá hạn là đúng quy định.
Căn cứ vào án lệ số 09, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất 3 ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm). Theo nguyên tắc trên, lãi suất quá hạn được tính toán là 13,65%/năm. Như vậy, số tiền Dầu khí 2 phải thanh toán là 416 triệu đồng (gồm 244,9 triệu đồng nợ gốc và 171,1 triệu đồng) nợ lãi quá hạn.
Tranh chấp lãi suất như Hodeco và Dầu khí 2 trên thực tế xảy ra đa dạng, trên nhiều phương diện khác nhau như tranh chấp liên quan đến khoản vay thương mại (giữa một bên là ngân hàng, một bên là doanh nghiệp hoặc cá nhân), giao dịch liên quan đến cầm cố, thế chấp, bảo lãnh ngân hàng…
Đặc biệt, khoản lãi phạt chậm trả (tính lãi chồng lãi) trong nhiều năm qua thường được ngân hàng đưa vào trong yêu cầu khởi kiện đòi tiền. Tuy nhiên, án lệ số 09 xác định rõ, việc tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng và tính lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng.
Minh chứng là trong vụ việc tranh chấp với Công ty Phúc Đức Thành liên quan đến hợp đồng hạn mức tín dụng 1,5 tỷ đồng năm 2010 do Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định giải quyết ngày 20/9/2017, ngân hàng đã rút yêu cầu về khoản tiền phạt chậm trả.
Trong bản án ngày 7/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng linh hoạt án lệ số 08 để giải quyết tranh chấp giữa ngân hàng và một công ty TNHH về lãi suất. Vụ việc như sau: năm 2013, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn ngân hàng số tiền 9,5 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, nhằm bổ sung vốn kinh doanh; lãi suất cho vay chi tiết theo từng khế ước nhận nợ; tài sản thế chấp là hàng tồn kho, quyền đòi nợ và nhà xưởng, đất.
Quá trình vay vốn, do công ty thường xuyên không trả nợ gốc, lãi nên ngân hàng khởi kiện ra tòa án, buộc công ty phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tổng số tiền là 16,9 tỷ đồng gồm nợ gốc 9,2 tỷ đồng, lãi 4,8 tỷ đồng, lãi quá hạn 2,7 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đề nghị được tính lãi, lãi quá hạn cho đến khi bên vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và đề nghị tòa án tiếp tục phong tỏa số tiền 1,2 tỷ đồng trong tài khoản công ty.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi trong quá trình giải quyết, doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa số tiền 1,2 tỷ đồng là trái quy định trong hợp đồng thế chấp và quy định pháp luật. Điều này gây thiệt hại cho công ty.
Doanh nghiệp cũng tố ngân hàng chiếm giữ công ty, thu giữ hàng tồn kho, không cho công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp tính toán, ngân hàng gây thiệt hại về tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế trên 60 tỷ đồng.
Với các lý do trên, doanh nghiệp không đồng ý thanh toán tiền, không tính lãi, không được xử lý tài sản tín chấp, đồng thời hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Doanh nghiệp chỉ đồng ý thanh toán khoản tiền nợ gốc sau khi ngân hàng bồi thường thiệt hại cho công ty từ năm 2013 đến nay.
Trước các yêu cầu của doanh nghiệp, Hội đồng xét xử nhận định, trong hợp đồng thỏa thuận phương thức trả nợ là bằng tiền mặt/chuyển khoản/trích tiền trong tài khoản tiền gửi của công ty tại ngân hàng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ năm 2013 và ngân hàng trích tiền trong tài khoản là phù hợp với thỏa thuận của các bên. Doanh nghiệp cho rằng ngân hàng có hành vi cướp và cưỡng đoạt tiền trong tài khoản là không đúng. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tòa án sơ thẩm thực hiện đúng trình tự thủ tục.
Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, theo án lệ số 08/2016/AL thì cần sửa lại lãi quá hạn sau ngày xét xử sơ thẩm. Theo đó, kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong.
Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay, thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.
Vẫn còn bất cập
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh, án lệ đưa ra liên quan đến lãi suất làm tăng tính thống nhất trong việc xét xử các vụ án kinh doanh thương mại, đặc biệt là hạn chế tối đa việc tính lãi phạt chậm trả (lãi chồng lãi).
Nếu như trước đây có tình trạng tòa án áp dụng tính lãi phạt chậm trả thì cho đến nay, phần lớn bản án đã nhận định, tính lãi chồng lãi là bất hợp lý. Đây cũng là một trong những nội dung của án lệ được áp dụng khá triệt để.
Vậy nhưng, đề cập đến lãi suất quá hạn, lãi suất chậm thanh toán, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, trong thời gian tới cần có thêm án lệ đưa ra nguyên tắc chung như nguyên tắc bỏ tính lãi chồng lãi để các tòa án áp dụng thống nhất.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được thỏa thuận mức lãi suất và phương pháp tính lãi suất, nên việc bổ sung các án lệ liên quan càng trở nên cần thiết.
Bên cạnh những ưu điểm, luật sư Nguyễn Thế Truyền có ý kiến nhận xét thêm về việc tính lãi suất chậm trả do chậm thi hành án. Theo luật sư Truyền, lãi suất chậm trả do chậm thi hành án cần phải tính theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng án lệ áp dụng mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Trong khi đó, hợp đồng tín dụng bị tranh chấp, xử lý theo bản án. Tại thời điểm tranh chấp, lẽ ra các bên cần giữ nguyên hiện trạng, không phát sinh quyền và nghĩa vụ để tòa án xử lý.