Ấn Độ trở thành nhà sản xuất vắc xin Covid-19 quan trọng chỉ sau Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ấn Độ có thể trở thành nhà sản xuất vắc xin Covid lớn thứ hai trên thế giới và các nhà phân tích cho rằng, nước này có khả năng sản xuất cho cả dân số nước mình và các nước đang phát triển khác.
Một bác sĩ cầm các lọ vắc xin Covid-19 Covaxin trong đợt tiêm chủng trên toàn quốc ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ, Thứ Bảy ngày 6/2/2021. Ảnh: Getty Images Một bác sĩ cầm các lọ vắc xin Covid-19 Covaxin trong đợt tiêm chủng trên toàn quốc ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ, Thứ Bảy ngày 6/2/2021. Ảnh: Getty Images

Hầu hết các loại vắc xin trên thế giới đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Ấn Độ đã sản xuất tới khoảng 60% lượng vắc xin trên thế giới, đặc biệt họ có thể làm như vậy với chi phí tương đối thấp.

Các nhà phân tích của JPMorgan đã viết trong một báo cáo vào tháng 1: “Ấn Độ đã là một trung tâm sản xuất vắc xin ngay cả trước đại dịch, do đó nên là một đối tác chiến lược trong việc tiêm chủng toàn cầu chống lại Covid-19”.

Công ty tư vấn Deloitte dự đoán rằng, Ấn Độ sẽ chỉ đứng sau Mỹ về sản lượng vắc xin Covid-19 trong năm nay. PS Easwaran, một đối tác của Deloitte Ấn Độ cho biết, hơn 3,5 tỷ liều vắc xin Covid có thể được sản xuất tại Ấn Độ so với khoảng 4 tỷ liều vắc xin ở Mỹ vào năm 2021.

Hơn nữa, các công ty ở Ấn Độ hiện đang mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

“Chúng tôi đang mở rộng năng lực sản xuất hàng năm của mình để cung cấp 700 triệu liều Covaxin của chúng tôi”, Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ, công ty đã phát triển vắc xin Covid cùng với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Ấn Độ cho biết.

Covaxin đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Ấn Độ nhưng đã vấp phải tranh cãi do bị chỉ trích rằng việc phê duyệt thiếu minh bạch và không công bố đủ dữ liệu về hiệu quả.

Vắc xin Ấn Độ phù hợp cho các nước đang phát triển

Một loại vắc xin khác ở Ấn Độ có tên Covishield và được đồng phát triển bởi AstraZeneca và Đại học Oxford cũng đã được cấp phép khẩn cấp ở Ấn Độ. Vắc xin này đang được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII).

Theo Reuters, SII sản xuất khoảng 50 triệu liều Covishield mỗi tháng và có kế hoạch tăng sản lượng lên 100 triệu liều một tháng vào tháng 3.

Các công ty Ấn Độ khác đã đồng ý sản xuất vắc xin cho các nhà phát triển như Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga và công ty Johnson & Johnson của Mỹ.

“Ngay cả khi không phát triển thành công vắc xin, năng lực sẵn có của Ấn Độ đã mang lại cơ hội hợp tác với tư cách là nhà sản xuất theo hợp đồng với các nhà phát triển vắc xin đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu cung ứng đặc biệt cho Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác”, theo báo cáo của JPMorgan cho biết.

K Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết vắc xin của Ấn Độ có thể sẽ phù hợp hơn cho các nước đang phát triển.

Một số vắc xin hàng đầu hiện nay như vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna, sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) sử dụng vật liệu di truyền để kích hoạt quá trình chống nhiễm trùng của chính cơ thể.

Ông Reddy cho biết, những loại vắc xin này đòi hỏi “các yêu cầu nghiêm ngặt về dây chuyền lạnh”, điều này sẽ khó hoặc thậm chí là “ngoài khả năng” đối với hầu hết các hệ thống y tế.

Ông cho biết thêm rằng vắc xin sản xuất tại Ấn Độ dễ vận chuyển hơn và rẻ hơn, điều này Ấn Độ vào vị thế tốt hơn so với Mỹ và châu Âu khi đáp ứng nhu cầu ở các nước đang phát triển.

Thách thức về lưu trữ, phân phối vắc xin

Tuy nhiên, sẽ có những thách thức khi Ấn Độ tìm cách đáp ứng nhu cầu vắc xin ở nước này và hơn thế nữa.

Abhishek Sharma, nhà phân tích cổ phiếu của Jefferies đã viết trong một lưu ý rằng việc triển khai vắc xin ở Ấn Độ đang diễn ra chậm chạp. Ngay cả khi giả định rằng tốc độ tiêm chủng sẽ tăng lên, Sharma ước tính rằng chỉ 22% trong số 1,38 tỷ dân số của Ấn Độ có thể được tiêm chủng trong một năm.

“Việc cung cấp vắc xin không phải là vấn đề so với việc bảo quản, phân phối và tính hiệu quả của vắc xin”, Nissy Solomon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công (CPPR).

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục