Ấn Độ đang muốn thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc lâu nay vẫn phức tạp, tuy nhiên, trong thương mại, Trung Quốc lại không thể thiếu với nền kinh tế Ấn Độ.
Ấn Độ đang muốn thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc

Không chỉ trong các mặt hàng tiêu dùng, Ấn Độ dựa phần lớn vào nguồn đầu vào giá rẻ của Trung Quốc để sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như chip nhớ, mạch tích hợp hay các thành phần dược phẩm. Ngược lại, Ấn Độ chỉ xuất sang Trung Quốc các sản phẩm ít giá trị, như động vật giáp xác hay đá granit.

Vào năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 117 tỷ USD, nhưng trong đó có khoảng hơn 100 tỷ USD là hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi mong muốn Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc đang có tranh chấp với mình, Ấn Độ cũng có nhu cầu phát triển thị trường trong nước để trở thành một thế lực kinh tế mới của thế giới.

Kìm hãm hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc

Đầu tháng 8 này, Ấn Độ đã công bố các hạn chế cấp phép mới đối với máy tính xách tay và máy tính cá nhân nhập khẩu - các thiết bị chủ yếu đến từ Trung Quốc. Các biện pháp tương tự cũng đang được xem xét đối với máy ảnh và máy in.

Hiện nay, Ấn Độ vẫn mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc, miễn là điều này phù hợp với luật pháp Ấn Độ. Nhưng theo các chuyên gia phân tích, chính phủ New Delhi đang sử dụng một số công cụ để khiến hoạt động của các công ty Trung Quốc ở Ấn Độ trở nên khó khăn hơn.

Cụ thể nhất là lệnh cấm hoàn toàn các sản phẩm của Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Sau các cuộc xung đột biên giới vào năm 2020, 118 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok, WeChat, Shein, đã bị cấm tại Ấn Độ với lý do thu thập dữ liệu người dùng. Tình hình đó vẫn tiếp diễn cho tới hiện tại.

Các hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, như Huawei và ZTE cũng nhận được các lệnh hạn chế tương tự, với lời giải thích rằng phần cứng của họ có thể cho phép những kẻ lừa đảo Trung Quốc nghe trộm công dân của Ấn Độ.

Thuế quan là một chiến thuật phổ biến khác. Năm 2018, trong nỗ lực cứu vãn ngành lắp ráp điện thoại di động Ấn Độ trước các đối thủ Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với các thiết bị nhập khẩu. Năm 2020, đồ chơi nhập khẩu, hầu hết đến từ Trung Quốc, bị áp mức thuế tăng gấp ba lên 60%, khiến nhập khẩu đồ chơi của Ấn Độ giảm 3/4.

Chế độ quản lý thị trường là một công cụ khác cũng được cho là một cách thức phi chính thức nhằm gây khó dễ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Điển hình, việc không tuân thủ các quy tắc về thuế - vốn bị cho là cực kỳ phức tạp là vi phạm phổ biến nhất.

Hai nhà sản xuất điện thoại lớn đến từ Trung Quốc là Xiaomi và BBK Electronics đang bị điều tra vì bị cáo buộc lừa đảo cơ quan thuế Ấn Độ tổng cộng 1,1 tỷ USD. Gần đây, truyền thông Ấn Độ cho rằng, công ty sản xuất xe điện BYD chi nhánh Ấn Độ đang bị điều tra về các cáo buộc trốn thuế hơn 9 triệu USD. MG Motor, công ty con của SAIC, cũng đối mặt với các hạn chế đầu tư và bị điều tra thuế.

Thủ tục cấp phép phức tạp là một trở ngại khác. Vào năm 2020, New Delhi tuyên bố rằng các khoản đầu tư từ các quốc gia có chung đường biên giới với nước này phải nhận được sự chấp thuận đặc biệt. Mục tiêu rõ ràng là Trung Quốc dù Ấn Độ không nêu đích danh nước nào.

Từ đó tới nay, Ấn Độ mới chỉ phê duyệt chưa tới 1/4 trong số 435 đơn xin đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Vào tháng 7 vừa qua, dự án liên doanh giữa BYD và Megha Engineering của Ấn Độ nhằm chế tạo xe điện và pin cũng đã không được chấp thuận vì lý do an ninh.

Luxshare, một nhà cung cấp thiết bị cho Apple, cũng chưa mở được nhà máy ở Tamil Nadu dù đã ký thỏa thuận hợp tác với bang này từ năm 2021. Theo Economist, nguyên nhân được cho là lệnh cấm “bất thành văn” từ chính phủ trung ương về các cơ sở mới có liên quan tới Trung Quốc.

Ưu tiên sản xuất nội địa

Song song với những nỗ lực ngăn chặn của mình, Ấn Độ đang sử dụng chính sách để cạnh tranh với Trung Quốc ở nhiều thị trường khác nhau.

Cụ thể, trong ngành dược phẩm, nơi Ấn Độ nhiều năm qua nhập phần lớn thành phần từ Trung Quốc, đầu tháng 2 vừa qua, chính phủ bắt đầu triển khai các gói tài trợ trị giá 2 tỷ USD trong vòng 6 năm để các công ty sản xuất 41 loại thành phần thuốc trong nước. Còn trong ngành điện tử, các công ty như Tata (Ấn Độ) hay Foxconn và Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) được phép mua các linh kiện do Trung Quốc sản xuất để lắp ráp tại Ấn Độ với điều kiện họ phải liên kết với các nhà cung cấp địa phương. Một thỏa thuận tương tự được đề xuất với Tesla (Mỹ).

Những nỗ lực của Ấn Độ dường như đang cho ra kết quả, khi một số công ty Trung Quốc đang từ bỏ thị trường đông đúc này, trong khi một số công ty khác đang cố gắng thích nghi bằng cách thúc đẩy nội địa hóa ở Ấn Độ nhiều hơn, như Xiaomi và Shein.

Dù vậy, với những sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc nên sẵn sàng đối mặt với những khó khăn khác đang chờ đón tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục