ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc thu thập chứng cứ, tài liệu để giải quyết các vụ án dân sự được xem là một trong những khó khăn, vướng mắc chính khi giải quyết các vụ án dân sự. Liệu có phải chỉ vì các bên đi kiện và bị kiện nghĩa vụ?
Theo quy định tố tụng hiện nay, việc cung cấp chứng cứ là trách nhiệm của đương sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó.
Tuy nhiên thực tế có trường hợp, đương sự ngộ nhận việc cung cấp chứng cứ gây bất lợi cho quyền lợi của mình nên không giao nộp chứng cứ. Chưa kể trong điều kiện hiện nay, hiểu biết pháp luật của các đương sự còn hạn chế, do đó, khi có tranh chấp dân sự xảy ra, họ không biết phải có các chứng cứ, tài liệu gì để bảo vệ quyền lợi của mình, tìm kiếm các chứng cứ đó ở đâu để cung cấp cho tòa án.
Ngoài ra, cũng còn một nguyên nhân nữa là do sự khó dễ từ các cơ quan quản lý.
Ngoài đương sự, trách nhiệm thu thập chứng cứ còn thuộc về cá nhân, cơ quan nào, thưa ông?
Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành các biện pháp để thu thập chứng cứ, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Trong thực tế, các cơ quan có thẩm quyền không bao giờ xác nhận cho đương sự bằng văn bản lý do không cung cấp chứng cứ, tài liệu. Do đó, đương sự cũng không có căn cứ để chứng minh với Tòa án rằng họ không thể tự mình thu thập được chứng cứ và yêu cầu Tòa án thực hiện thay.
Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phổ cập các tài liệu, giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở còn hạn chế. Các tài liệu này hiện đang do một số cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo quản, quản lý và chưa có điều kiện để công khai cho công dân.
Thêm nữa, việc quản lý hành chính còn cồng kềnh, quan liêu; máy móc, trang thiết bị chưa cho phép phổ cập tất cả thông tin này đến với mọi người dân. Nhiều trường hợp, việc thu thập chứng cứ đang do cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý là rất khó khăn. Trong rất nhiều vụ án, mặc dù đương sự đã mất nhiều công sức, thời gian đi lại yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các chứng cứ, tài liệu để họ giao nộp cho Tòa án, nhưng đều bị từ chối; hoặc các cơ quan, tổ chức cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn. Không chỉ đương sự bị gây khó khăn, mà ngay cả Tòa án đôi khi cũng phải nản lòng vì thái độ làm việc và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Theo ông, làm sao để thúc đẩy việc thu thập chứng cứ nhanh hơn và dễ dàng hơn để các vụ kiện dân sự được giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn?
Theo tôi, có một số vấn đề trong quy định tố tụng dân sự cần sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hiện Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định thời hạn nộp chứng cứ của đương sự, điều này gây ra tình trạng đương sự ỷ vào Tòa án, đối phó với Tòa án không chịu cung cấp chứng cứ và làm kéo dài quá trình giải quyết vụ việc.
Nhiều trường hợp, những chứng cứ quan trọng được các đương sự giữ kín đến thời điểm thích hợp mới xuất trình, thậm chí tại phiên tòa phúc thẩm mới giao nộp chứng cứ, khiến cho phía còn lại không có đủ thời gian để phản bác lại, gây mất công bằng cho các đương sự, gây khó khăn cho Tòa án giải quyết vụ án.
Pháp luật cần có quy định cụ thể những trường hợp được coi là “đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ”. Thực tế cho thấy, việc đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ gặp nhiều khó khăn do các cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền không làm đúng trách nhiệm. Do đó, cần làm rõ khái niệm này để đảm bảo cho đương sự thực hiện nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế để tạo điều kiện cho việc thu thập chứng cứ, tài liệu. Hầu hết các biện pháp thu thập chứng cứ để làm được, các đương sự đều phải thông qua Tòa án. Quy định này đã làm giảm khả năng chủ động của đương sự trong việc thu thập chứng cứ khi phải thông qua hoạt động chủ quan của những người tiến hành tố tụng.
Đồng thời, cần tạo điều kiện cho đương sự nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Theo quy định hiện nay, chỉ khi nguyên đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ và đơn kiện mới được thông báo cho bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ biết và có văn bản trả lời, còn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, khi các bên xuất trình chứng cứ mới hay những chứng cứ do Tòa án thu thập được thì các đương sự chỉ có quyền được biết thông qua sao chụp tài liệu, chứng cứ ở Tòa, mà không quy định một cách cụ thể ai là người phải thông báo. Quy định như vậy còn nhiều bất cập. Vì vậy, pháp luật phải có quy định thông báo bằng văn bản hoặc photo một bản cung cấp chứng cứ cho bên còn lại, văn bản được chuyển giao thông qua Tòa án. Nếu bên cung cấp chứng cứ không thông báo, sẽ phải chịu một chế tài thích hợp.