
Cho dù AMD không nêu lý do cụ thể vì sao ông Hector Ruiz lại thôi công tác điều hành để về giữ một ghế trong Ban giám đốc, song dường như mọi người đều hiểu đây là hệ quả tất yếu của kết quả kinh doanh yếu kém trong suốt hai năm qua.
Theo công bố mới đây, trong quý II/2008, AMD bị lỗ 1,19 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với mức lỗ của quý II/2007 (600 triệu USD), trong khi doanh thu chỉ là 1,35 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra là 1,45 tỷ USD. Đây đã là quý thứ 7 liên tiếp AMD bị lỗ “chổng kềnh” và điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của AMD trên Thị trường chứng khoán New York (Mỹ). Vào đầu tuần này, giá 1 cổ phiếu của AMD dao động xung quanh mức 5,30 USD, giảm tới gần 8 lần so với cách đây 2 năm (trên 40 USD/cổ phiếu). Như vậy, thị giá của AMD bị “bốc hơi” khoảng 20 tỷ USD trong vòng 2 năm qua. Chính điều này khiến cho các cổ đông của AMD đứng ngồi không yên.
AMD là một tập đoàn có nhiều nét khá mâu thuẫn trong việc bố trí bộ máy lãnh đạo, vừa có tính cách tân, lại vừa mang không ít dấu ấn của bảo thủ. Ông Hector Ruiz là người gốc Mexico và là một trong số nhà quản lý có gốc gác từ khu vực châu Mỹ La tinh rất hiếm hoi được trao quyền lãnh đạo một tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ. Về điểm này, thì phải coi AMD khá liều lĩnh và chịu chơi. Song đồng thời, AMD cũng bị chỉ trích là bảo thủ, bởi trong suốt gần 40 năm tồn tại (AMD được thành lập vào tháng 9/1969), ông Hector Ruiz mới là đời CEO thứ hai. Trước đó, ông Jerry Sanders, người sáng lập ra AMD đã liên tục làm CEO và Chủ tịch AMD ròng rã hơn 30 năm trời. Bản thân ông Hector Ruiz tự xin rút lui và giới thiệu ông Dirk Meyer lên thay mình, chứ chưa hề có áp lực công khai buộc ông từ chức. Ông Hector Ruiz phát biểu: “Tôi không có gì phải hối tiếc nhiều. Chúng tôi có một đội ngũ các nhà quản lý và cán bộ kỹ thuật đầy tài năng và nhờ họ, AMD có được vị thế như ngày nay, trở thành một đối thủ thực sự với các hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới. Song để trở thành một đối thủ lớn (của Intel), thì chúng tôi chưa đi tới được cái đích đó. Đây là thời điểm lý tưởng để tôi bàn giao lại chiếc gậy quyền lực cho những người có năng lực như Dirk Meyer”.
Được biết, hầu hết máy tính cá nhân và máy chủ trên thế giới đều sử dụng bộ xử lý của Intel và AMD. Theo Hãng điều tra nghiên cứu thị trường iSuppli (Mỹ), hiện Intel nắm 80% thị phần vi xử lý trên phạm vi toàn cầu, còn AMD chiếm khoảng gần 20% thị phần.
Theo nhiều nhà phân tích, cần phải sòng phẳng trong đánh giá công - tội của ông Hector Ruiz trong 6 năm ông làm CEO. Trong khoảng 40 năm cùng tồn tại song song (Intel ra đời vào tháng 7/1968), thì 6 năm qua là khoảng thời gian mà Intel mới thực sự phải kiêng nể AMD trong mọi lĩnh vực cạnh tranh. Trước đó, Intel chẳng coi AMD là “cái đinh” gì. Nâng tầm của AMD khiến đối thủ lớn hơn phải dè chừng, kiêng nể là công lớn nhất của ông Hector Ruiz và không phải ai cũng làm được điều này. Song vì ham mở rộng quy mô hoạt động để có thể đuổi kịp với “đại gia” Intel, nên ông Hector Ruiz cũng gặp một số thất bại, trong đó phải kể đến vụ mua lại ATI Technologies với giá 5,6 tỷ USD, song về với AMD lại không phát huy được tác dụng và nay giá trị bị tụt xuống chỉ bằng một nửa. Giờ thì ông Hector Ruiz đã cảm thấy hụt hơi và cần bàn giao lại lớp trẻ.
Dirk Meyer là kỹ sư và nhà thiết kế cấu trúc vi xử lý, đã trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế chip xử lý máy chủ Opteron của AMD, sản phẩm đánh dấu sự đột phá và đạt lợi nhuận cao trong thị trường chip xử lý máy chủ của Tập đoàn trong năm 2003. Ông Dirk Meyer cũng đã từng lãnh đạo bộ phận vi xử lý, được xem là mảng chủ lực của AMD, hơn nữa lại là người trực tiếp hỗ trợ Hector Ruiz trong điều hành AMD từ năm 2006. Điều này giúp ông có thể tiếp quản công việc lãnh đạo AMD ngay lập tức, không phải mất thời gian làm quen, tìm hiểu tình hình.
Tuy nhiên, việc vực dậy và đưa AMD thoát hiểm khỏi vòng thua lỗ không phải là chuyện đơn giản, song cũng chưa đến mức bất khả thi với ông Dirk Meyer. Tiềm lực tài chính của AMD còn khá lớn, nhất là khi có Abu Dhabi Investment Authority, quỹ quản lý và đầu tư vốn nhà nước lớn nhất thế giới của Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) có vốn ước tới 875 tỷ USD là cổ đông chiến lược (sở hữu 8,1% cổ phần của AMD) hậu thuẫn.