Ấm nước 3.000 năm tuổi đấu giá gấp đôi dù Trung Quốc lên án

Ấm nước bằng đồng có từ thời Tây Chu trước Công nguyên tại Trung Quốc được bán với giá hơn 580.000 USD, gấp đôi mức giá dự kiến.
Ấm cổ có từ thời Tây Chu trước Công nguyên. Ảnh: Canterbury Auction Galleries. Ấm cổ có từ thời Tây Chu trước Công nguyên. Ảnh: Canterbury Auction Galleries.

Theo South China Morning Post, ấm cổ bị một binh sĩ Anh lấy trộm từ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh trong Chiến tranh Nha phiến lần hai (1856-1860). Đây là một trong bảy ấm cổ cùng loại còn tồn tại và năm trong số đó đang được lưu giữ trong các bảo tàng.

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và kêu gọi tẩy chay cuộc đấu giá diễn ra hôm 11/4 tại nhà đấu giá Canterbury ở Anh. Tuy nhiên, theo trang tin địa phương KentOnline, việc này càng khiến cho các nhà sưu tầm từ Trung Quốc quyết tâm có được món cổ vật.

Danh tính người mua chiếc ấm trang trí hình loài hổ, có niên đại từ thời Tây Chu (1047-772 trước Công nguyên), được giữ bí mật.

Theo tài liệu của nhà đấu giá, chỉ huy thủy quân lục chiến người Anh Harry Lewis Evans đã lấy trộm chiếc ấm khi Di Hòa Viên bị liên quân phương Tây phá hủy trong Chiến tranh Nha phiến lần hai.

Món cổ vật được phát hiện gần đây tại một thị trấn ven biển bởi chuyên gia nghệ thuật Trung Quốc của Canterbury, Alastair Gibson, song địa điểm chính xác không được tiết lộ.

Ấm nước 3.000 năm tuổi đấu giá gấp đôi dù Trung Quốc lên án ảnh 1

Chỉ huy thủy quân lục chiến Anh Harry Lewis Evans. Ảnh: SCMP. 

Chiếc ấm ban đầu được định giá khoảng từ 120.000 đến 200.000 bảng Anh, nhưng cuối cùng được bán ra ở mức 410.000 bảng Anh (xấp xỉ 582.000 USD).

Hôm 10/4, Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc lên tiếng phản đối việc đấu giá cổ vật, nói họ "mạnh mẽ phản đối và lên án việc Canterbury đấu giá các món đồ tạo tác tình nghi bị lấy cắp".

Cơ quan này cũng cáo buộc nhà đấu giá Anh "quảng cáo thổi phồng" nhằm mục đích thương mại.

Chính phủ Trung Quốc ước tính khoảng 1,5 triệu cổ vật bị đem ra khỏi nước này trong Chiến tranh Nha phiến lần hai.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã tích cực lên tiếng phản đối việc mua bán những món đồ cổ mà họ cho là bị đánh cắp từ Trung Quốc, đặc biệt là trong thế kỷ 19 khi người châu Âu chia nhau lãnh thổ nước này. Dù vậy, nhiều tuyên bố của Trung Quốc về lai lịch cổ vật được cho là không chính xác.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục