Lo lắng thái quá
Sau khi mắc Covid-19, rất nhiều người khi được hỏi đều cho biết họ rất mệt mỏi, nhiều lúc khó thở, đau ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, có người còn ho khan suốt một thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Một số khác thì lo lắng, bất an vì không thể ngủ dù cơ thể mệt rã rời. Đặc biệt, rất nhiều người than thở sau khi mắc Covid-19 khỏi bệnh, vài tuần sau họ vẫn không thể đi làm trở lại do không đảm bảo sức khỏe.
Đó là thực tế dẫn đến những ngày qua tại các cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân tới khám hậu Covid-19 tăng cao. Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, gần đây, các trường hợp bệnh nhân mắc triệu chứng hậu Covid-19 đến khám được ghi nhận rải rác ở các phòng khám trung bình khoảng hơn 100 bệnh nhân/ngày. Các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi; cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ nhưng cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị nhiều lần.
Tại Bệnh viện cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân là nữ, 62 tuổi, từng mắc Covid-19 và được điều trị ở một cơ sở y tế khác, khi xác định âm tính, bệnh nhân được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, khi về nhà, bệnh nhân lại liên tục gặp tình trạng khó thở, mệt mỏi, được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám.
Xác định bệnh nhân gặp tình trạng suy hô hấp không cải thiện, các bác sỹ đã phải cho bệnh nhân thở ô-xy và các biện pháp hỗ trợ, sau đó chuyển sang khu Hồi sức khi tình trạng bệnh nhân nặng lên và tiếp tục phải can thiệp bằng ECMO. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không đáp ứng và tử vong sau khoảng 3 ngày chạy ECMO.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện tại chỉ 10-20% bệnh nhân có các triệu chứng gọi là hậu Covid-19, gồm mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, ho dai dẳng, hồi hộp, tim đập nhanh, đau mỏi cơ, thay đổi vị giác, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, hay quên, khó tập trung, buồn bã, lo âu… Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 3 tháng sau khi mắc bệnh.
Cùng chung lo ngại, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ.
Đáng chú ý, những người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng vẫn có thể bị hậu Covid-19 và nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tại các bệnh viện, F0 nặng/nguy kịch, có bệnh nền thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Dù những lo lắng về hậu Covid-19 là hiện hữu, song thực tế cho thấy đang có một xu hướng lo lắng thái quá, hay một số chuyên gia gọi đó là “tự kỷ ám thị”. Một bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, anh thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc gọi tư vấn về tình trạng hậu Covid-19, dù có người chỉ mới âm tính được 2-3 ngày.
Bác sỹ này cho rằng, cần phải hiểu đúng về tình trạng hậu Covid-19, bởi hiện nay có nhiều trường hợp 3,4 ngày test thấy âm tính liền tự cho là đã khỏi bệnh và khi thấy vẫn còn ho, đau rát họng, khó thở... thì hốt hoảng cho rằng mình đã gặp vấn đề "hậu Covid". Thực tế, test nhanh kháng nguyên âm tính mới chỉ là lúc virus xuống thấp, chưa phải đã khỏi hoàn toàn. Bình thường, thời gian bình phục hoàn toàn của các F0 cần từ 1 đến 4 tuần.
Nhiều người do lo lắng thái quá nên đi khám rất nhiều nơi, chụp chiếu, xét nghiệm tốn kém, rồi sau đó là bồi bổ nhiều loại thực phẩm chức năng cũng như dùng các bài thuốc bừa bãi theo truyền miệng, gây hệ lụy xấu tới sức khỏe.
Không lạm dụng khám hậu Covid-19
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh nêu quan điểm, khoảng 25% F0 có nguy cơ xuất hiện di chứng hậu Covid-19, nhưng không phải ai cũng chịu di chứng nặng nề. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng. Việc lo lắng quá còn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người bệnh.
Ông Khanh lý giải thêm, khi bị bệnh bởi siêu vi (virus), bao giờ cơ thể cũng mất đi một nguồn năng lượng lớn để đánh bại virus, tạo ra kháng thể. Virus càng mới, cơ thể chưa thích ứng được thì càng tốn nhiều năng lượng. SARS-CoV-2 là một virus mới. Vì thế cho dù ai đó nói rằng họ khỏe, bệnh nhẹ, họ vẫn có cảm giác mất năng lượng và gặp những vấn đề đặc trưng.
Đó là những dấu hiệu như thấy tay chân rã rời, mau xuống sức, cảm thấy mình yếu hơn nhiều so với trước khi bệnh, kém tập trung, uể oải khi làm việc, học tập, rụng tóc... mà nhiều người vẫn lo lắng và cho là hậu Covid-19. Nhưng thật ra sốt siêu vi nào cũng hay gặp những vấn đề đó, có những siêu vi gây bệnh còn nặng hơn Covid-19 như sốt xuất huyết và vài loại cúm.
Covid-19 là bệnh mới, nên có lẽ gây nhiều lo lắng, sợ hãi. Mà chính sự lo âu đôi khi lại góp thêm vào những mệt mỏi, vì stress cũng đủ gây các vấn đề như hồi hộp, tim đập nhanh, mệt mỏi khi làm việc và đặc biệt là mất ngủ.
Do vậy, việc đầu tiên nên làm để mau khỏe lại, theo khuyến cáo là mỗi người cố gắng giữ bình tĩnh, nghỉ ngơi, tập luyện và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mỗi người nên ăn đa dạng, đủ chất. Có thể bổ sung một số vi chất như kẽm, vitamin nhóm B, C, D... Triệu chứng rụng tóc khiến nhiều người lo thực ra cũng do thiếu kẽm và stress.
Còn ở một góc nhìn khác, bác sỹ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Bệnh viện Covid-19 Hoàng Mai cho hay, hậu Covid với biến chủng Omicron kết hợp bao phủ vắc-xin không thể được đánh đồng như lúc chủng Alpha, Delta hoành hành và chưa có vắc-xin.
Bản thân bác sỹ Hải cũng mệt mỏi khi người thân xung quanh và bệnh nhân khi tới viện ngỏ ý muốn chụp X-quang phổi, rồi CT phổi để xem có tổn thương gì không.
Hay với những gói khám hậu Covid-19 ồ ạt được mở ra, chuyên gia cho rằng đây là điều không nên vì nhiều thông tin đã quá cũ. Các gói khám lên tới vài chục triệu đồng để truy tìm biến chứng sâu là không cần thiết vì không có triệu chứng gì để tìm và cũng không tìm được.
Với người bệnh Covid-19, bác sỹ Hải khẳng định giống như người bị cảm hàn, sau 1-3 tháng vẫn có triệu chứng như ớn lạnh, mệt mỏi và nó đều hết khi cơ thể phục hồi hoàn toàn.
“Chính vì vậy, với người trẻ, khoẻ, đã tiêm đủ vắc-xin, mắc Covid-19 không có triệu chứng thì không cần lo hậu Covid-19, không nên lạm dụng chụp phổi bởi nguy cơ tác dụng phụ khi chụp CT cho trẻ là không nhỏ”, bác sỹ Hải nói.