Alibaba và tham vọng toàn cầu hóa cơ sở hạ tầng ngành thương mại điện tử

(ĐTCK) Ngày 26/9 vừa qua, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới để xây dựng mạng lưới logistics toàn cầu, đồng thời cũng nắm quyền kiểm soát một công ty trị giá 20 tỷ USD, làm cơ sở cho chính sách mở rộng thế lực ra nước ngoài.
Alibaba và tham vọng toàn cầu hóa cơ sở hạ tầng ngành thương mại điện tử

Theo Alibaba, khoản đầu tư 15 tỷ USD sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ dữ liệu, cải thiện hệ thống nhà kho và mạng lưới giao nhận. Mục tiêu của Alibaba là bảo đảm giao hàng trong vòng 24 tiếng ở Trung Quốc và trong vòng 72 giờ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Alibaba đang nhanh chóng mở rộng hoạt động thương mại điện tử và mạng lưới kho vận ở nước ngoài, bao gồm các kênh bán hàng trực tiếp ở Indonesia, Thái Lan và Philippines, sau khi Alibaba đầu tư 2 tỷ USD vào công ty thương mại điện tử Lazada tại khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong ngày 26/9, Alibaba cho biết hiện đang đầu tư 5,3 tỷ nhân dân tệ (800 triệu USD) vào Công ty logistics Cainiao (Trung Quốc) để nâng cổ phần của mình từ 47% lên 51%. Theo đó, Alibaba sẽ giành được thêm một ghế mới, và sẽ có bốn trên bảy ghế tại Hội đồng quản trị của Cainiao.

Alibaba đồng sáng lập Cainiao vào năm 2013 cùng với các đối tác bao gồm: chủ sở hữu tập đoàn cửa hàng tạp hóa Intime Group, Tập đoàn Fosun và một vài công ty logistics khác. Cainiao hiện giám sát khoảng 57 triệu lần giao hàng mỗi ngày.

“Cam kết của chúng tôi đối với Cainiao và kế hoạch đầu tư bổ sung vào lĩnh vực logistics chứng tỏ quyết tâm của Alibaba trong việc xây dựng một hệ thống hậu cần hiệu quả nhất ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”, Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, phát biểu.

Trước đó, Zhang cũng từng nhấn mạnh ý tưởng của Alibaba trong tương lai là tạo ra một tỷ kiện hàng được phân phối mỗi ngày thông qua hệ thống nền tảng của tập đoàn.

Thương vụ này sẽ góp phần nâng giá trị của Cainiao, một liên doanh đứng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, lên mức 20 tỷ USD. Đồng thời, khoản đầu tư trên cho thấy ý định của Alibaba trong việc tăng cường kiểm soát thị trường vận chuyển và kho bãi ở Trung Quốc vốn đang ngày càng mang tính cạnh tranh cao, khi mà các công ty tìm cách tận dụng vốn hóa các tài sản dữ liệu logistics.

Alibaba và tham vọng toàn cầu hóa cơ sở hạ tầng ngành thương mại điện tử ảnh 1

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba 

Năm nay, Alibaba đã trở thành công ty đầu tiên của châu Á được định giá vượt mức 400 tỷ USD. Giá cổ phiếu Alibaba đã tăng gần 50% trong năm nay, trong khi mức tăng tương ứng của Amazon là 30%. Hiện Alibaba đang chạy đua với Amazon để trở thành công ty đầu tiên có giá trị vốn hóa 500 tỷ USD, trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đang ngày càng nóng lên tại các thị trường từ Ấn Độ cho đến Mỹ.

Mỗi công ty đều đang chiếm ưu thế tại thị trường thương mại điện tử tương ứng. Amazon chiếm thị phần lớn ở Mỹ trong khi Alibaba thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Cả hai công ty cũng đang lấn sân sang các mảng khác như hệ thống bán lẻ, nội dung hay điện toán đám mây.

Cách đây không lâu, trong buổi phỏng vấn với Bloomberg nhân dịp kỷ niệm 18 năm thành lập tập đoàn Alibaba, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Jack Ma từng phát biểu:

“Tôi đã nhiều lần đề cập trong nội bộ, rằng Alibaba bước ra ngoài thị trường Trung Quốc không có nghĩa là toàn cầu hoá Alibaba. Chúng tôi đang toàn cầu hoá cơ sở hạ tầng của ngành thương mại điện tử. Chúng tôi đang cố gắng hình thành hệ thống thanh toán trực tuyến, nền tảng cho vận tải và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây.”

Jack Ma hiện đang tích cực thực hiện sứ mệnh ngoại giao mềm, tham gia các diễn đàn thế giới cũng như gặp các lãnh đạo quốc gia để truyền tải thông điệp. Ông cũng đã tuyên bố tạo thêm 1 triệu việc làm tại Mỹ và đầu tư 10 triệu USD cho mảng khởi nghiệp ở Châu Phi, những nơi mà Trung Quốc đang muốn tạo ảnh hưởng.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục