Ngày 11/11 vừa qua đã đánh dấu cột mốc mới đối với Alibaba trong việc thiết lập các kỷ lục về ngày hội mua sắm. Theo đó, năm 2018, sự kiện mua sắm nhân ngày lễ độc thân - Singles’s Day (11/11) của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã đạt doanh thu 30,8 tỷ USD, cao hơn 27% so với năm ngoái và là mức cao nhất trong lịch sử 10 năm thực hiện. Đáng chú ý, con số này cao vượt trội so với ngày hội mua sắm “Black Friday” và “Cyber Monday” của Mỹ cộng lại.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, các con số được công bố từ sự kiện mua sắm này đủ sức khiến giới đầu tư cảm thấy bớt bất an.
“Xu hướng tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc sẽ chưa dừng lại, dù có chiến tranh thương mại hay không”, Phó chủ tịch Alibaba Joe Tsai cho biết. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tầng lớp trung lưu Đại lục sẽ tăng gần gấp 3 lần cho tới năm 2030, đạt 850 triệu người từ con số 300 triệu người hiện tại. Từ diễn biến này, các chuyên gia kinh tế rút ra 3 vấn đề mà các thành viên thị trường cần chú ý quan sát.
Yêu hàng Mỹ
Khi Alibaba bắt đầu sự kiện mua sắm 11/11 lần đầu tiên vào năm 2009, chỉ có 27 thương hiệu, trong đó có Adidas, đồng ý tham gia. Tới nay, số lượng thương hiệu cả trong và ngoài nước là 180.000.
Trong đó, 40% khách hàng của Alibaba mua sắm nhân sự kiện này lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu quốc tế, bao gồm 240 nhãn hàng. Nổi bật nhất là Apple, Dyson, Kindle, Estée Lauder, L’Oréal, Nestle, Gap, Nike và Adidas khi đạt doanh thu 14,4 triệu USD chỉ trong 1 ngày.
Điều này cho thấy, bất kể xung đột thương mại Mỹ - Trung, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ưa thích các sản phẩm Mỹ. Đây là tín hiệu sáng cho các thương hiệu quốc tế đang nuôi tham vọng giành giật thị phần tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tăng trưởng chậm lại
Mặc dù thiết lập thêm một kỷ lục mới, nhưng sự kiện mua sắm 11/11 của Alibaba lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm sút so với mức tăng 40% trong năm ngoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới diễn biến này, tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý nhất là việc Alibaba đang phải căng mình hoạt động tại nhiều thị trường. Theo đó, Alibaba đã thâu tóm Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á và năm 2018 là năm đầu tiên Lazada tự tổ chức ngày hội mua sắm 11/11 tại khu vực này.
Dù gây ấn tượng với con số doanh thu khổng lồ, nhưng lợi nhuận mới là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với giới đầu tư, trong khi con số này chưa được công bố.
Theo các chuyên gia kinh tế, cả Alibaba và các đối thủ bán lẻ đều đang mạnh tay đầu tư gấp đôi cho công nghệ và dịch vụ vận chuyển nhằm tranh giành thị phần. Hoạt động đầu tư chắc chắn sẽ ăn mòn lợi nhuận, chưa kể việc Alibaba còn mạnh tay rót tiền vào hệ thống cửa hàng truyền thống để gia tăng trải nghiệm của khách hàng kể từ năm 2018.
Đối thủ mạnh lên
Alibaba không phải gương mặt duy nhất trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường bán lẻ, mà còn có sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi đáng gờm khác. Trong đó, đối thủ hàng đầu là JD.com, nền tảng thương mại điển tử chỉ đứng thứ hai sau Alibaba, hiện đang sở hữu những nhà đầu tư và đối tác hàng đầu như Google, Walmart và Tencent. Trong sự kiện mua sắm 11/11 vừa qua, JD.com đã kịp bỏ túi cho mình 23 tỷ USD chỉ trong 1 ngày.
Chưa kể, các thương hiệu nổi tiếng cũng tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh sự hiện diện trên thị trường. Chẳng hạn, Nike cho biết, mọi chương trình giảm giá ngày 11/11 sẽ được áp dụng trên nền tảng thương mại điện tử của hãng, bao gồm Nike.com, ứng dụng SNKRS, Nike Wechat Mini-programs (hiện đang hoạt động trên nền tảng của Tencent).
Theo Hãng nghiên cứu Analysys International, Alibaba nắm giữ 58% thị phần tại thị trường thương mại điển tử bán lẻ trong quý II/2018, ngay phía sau là JD.com với 26%. Nhưng trong thời gian tới, sức ép cạnh tranh từ các đối thủ sẽ ngày càng mạnh hơn và không loại trừ khả năng ngôi vương của Alibaba sẽ bị lung lay.