Trước đây, Air Asia muốn thâm nhập thị trường Việt Nam qua các thương vụ với Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar Pacific hiện nay), Vietjet, Hải Âu nhưng đều không thành công. Lần gần nhất - hồi tháng 4, sau khi công bố hủy hợp tác với Hải Âu, Air Asia thông báo vẫn quan tâm đến việc vận hành một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có 5 hãng hàng không, bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways và VASCO. Bên cạnh đó, 3 hãng Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines cũng đang xếp hàng chờ bay.
Tuy nhiên, hiện ông chủ Air Asia đã quyết định chuyển trọng tâm sang các nước khác trong khu vực. Ông Fernandes chia sẻ, đang xem xét nghiêm túc việc ra mắt một chi nhánh tại Campuchia, sau đó là Trung Quốc và Myanmar.
"Tôi thích Campuchia, Trung Quốc và Myanmar", Fernandes nói và cho biết ông đang tìm kiếm đối tác tại Campuchia.
Hiện tại, luật pháp Campuchia không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, các hãng bay mới được yêu cầu phải có vốn đầu tư 30 triệu USD trong ba năm đầu tiên, khoản tiền trên không bao gồm máy bay.
"Đôi khi, thật dễ dàng để tìm được một đối tác phù hợp nhưng chúng tôi phải đảm bảo rằng mạng lưới sân bay có thể tăng trưởng và chúng tôi có đem lại điều đột phá cho thị trường đó hay không. Vấn đề chưa bao giờ liên quan đến giấy phép", Fernandes nói.
Về dài hạn, Fernandes muốn AirAsia thiết lập một hãng bay tại Trung Quốc. Đây là thị trường quan trọng của hãng bay giá rẻ này, với 20% doanh thu hàng năm từ các điểm đến tại Trung Quốc. "Chúng tôi chắc chắn có thể phù hợp với thị trường khổng lồ này", CEO AirAsia khẳng định.