Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả Mỹ và Trung Quốc đều không có được sự nhượng bộ từ phía bên kia. Cả hai nền kinh tế đều chịu những thiệt hại. Ai là người được hưởng lợi thực sự?
Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Từ năm 2018 đến năm 2020, giữa Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra một cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ những năm 1930. Thuế quan tăng cao; các loại thị trường tăng giá, đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái. Kể từ đó, cuộc chiến thương mại này đã trở thành chủ đề của hàng chục nghiên cứu kinh tế và chính trị ở cả hai nước.

Ai là kẻ chiến thắng?

Việc tìm ra câu trả lời là hết sức phức tạp, chứa đựng những bài học quan trọng cho những người muốn sử dụng thuế quan như một thứ vũ khí.

Các nhà kinh tế thường cho rằng không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại vì chi phí sẽ tăng lên đối với tất cả các bên. Nếu đúng như vậy thì Hoa Kỳ - quốc gia khơi mào cuộc chiến và áp mức thuế cao đối với 75% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc đại lục phải thay đổi chính sách kinh tế của mình - đã thua cuộc, bởi đất nước cờ hoa đã không thể thắng trong cuộc chiến này.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đã chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến này. Trong chuyến công du tới Bắc Kinh vào tháng 5/2018, các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thâm hụt thương mại song phương 200 tỷ USD, chấm dứt trợ cấp cho các ngành công nghệ cao, ngừng thi hành chính sách bắt buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Danh sách này sâu rộng đến nỗi Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson và là người ủng hộ Tổng thống Trump, phải thốt lên: “Việc này tương tự như việc người Trung Quốc bay tới Washington và yêu cầu chúng tôi thay đổi hiến pháp của mình”.

Để gây sức ép lên Bắc Kinh, chính quyền của ông Trump đã thực hiện bốn đợt tăng thuế, đẩy mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc từ 3,1% lên 21%. Trung Quốc đã trả đũa với mức thuế tương tự. Theo tính toán của các nhà kinh tế học Pablo Fajgelbaum của Đại học Princeton và Amit Khandelwal của Đại học Columbia, hành động này đã làm cho nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn nhiều so với những thiệt hại mà đạo luật thuế quan Smoot-Hawley đã gây ra vào hồi những năm 1930.

Hai bên đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020. Đây được coi là một loại thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn giữ nguyên gần như tất cả các loại thuế quan, vì vậy sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì kể từ đó.

Tuy vậy, rất ít thay đổi diễn ra. Chad Bown, chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết Trung Quốc chỉ đạt được 60% so với những gì đã cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 về việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm.

Liên quan tới khiếu nại của Hoa Kỳ về sự ép buộc chuyển giao công nghệ của phía Trung Quốc, hành vi đánh cắp công nghệ và các hành vi sai trái khác, các báo cáo của cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chỉ ra rất rõ ràng: Không có tiến triển. Đầu năm nay, USTR đã sử dụng từ ngữ gần giống như năm 2017, thời điểm trước chiến tranh thương mại, để mô tả các khoản trợ cấp của Trung Quốc.

Clete Willems, một nhà đàm phán thương mại của chính quyền Trump và hiện làm tại hãng luật Akin Gump, cho biết: “Rõ ràng, họ [Trung Quốc] không thay đổi. “Chúng tôi đã làm cho giá cả hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng họ vẫn đang duy trì những chính sách của mình”, mặc dù ông cho rằng còn quá sớm để tuyên bố người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.

Robert Lighthizer, Đại diện thương mại của Tổng thống Trump, người đóng vai trò là tướng mặt trận của Hoa Kỳ cuộc chiến thương mại, nói rằng Hoa Kỳ đã đi trước trong một lĩnh vực quan trọng hơn nhiều.

Ông nói, trận chiến chỉ ra cách Trung Quốc đã sử dụng thương mại để làm giàu trên lưng của người lao động Mỹ, và cách Bắc Kinh dựa vào trợ cấp, và gây áp lực lên các công ty Mỹ để vượt lên. Ông Lighthizer nói: “Mục tiêu của tôi là thuyết phục mọi người rằng Trung Quốc là một vấn đề - một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thuyết phục được mọi người".

Kể từ khi chiến tranh thương mại diễn ra, thái độ của hai bên ngày càng cứng rắn. Chính quyền ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc che đậy nguồn gốc của đại dịch Covid-19, còn chính quyền ông Biden đã xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và Nga. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ đạo đức giả, ngạo mạn và cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 82% người Mỹ hiện không có thiện cảm với Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 47% vào năm 2018. Một cuộc thăm dò của Gallup năm ngoái cho thấy 45% người Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù lớn nhất” của nước Mỹ - gấp 4 lần so với năm 2018.

Tại Washington, các nhà lập pháp đua nhau tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục duy trì mức thuế quan và các biện pháp trừng phạt khác mà chính quyền ông Trump đã đưa ra.

Ông Lighthizer cũng lập luận rằng thuế quan đã gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc bằng cách làm tăng chi phí của họ, đặc biệt là khi đi kèm với các hạn chế mà Hoa Kỳ đặt ra đối với việc mua công nghệ cao của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi đang bắt đầu quá trình loại bỏ lợi thế không công bằng mà họ có trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”.

Rạn nứt với Trung Quốc, cùng với việc gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc - một mục tiêu khác của Mỹ. Theo khảo sát của Kearney, một công ty tư vấn quản lý, gần 80% giám đốc điều hành của các công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cho biết họ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ về Mỹ hoặc có kế hoạch làm việc đó trong ba năm tới.

Có nhiều dữ liệu cho thấy Trung Quốc sẽ là người thua cuộc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ do phải chịu nhiều tác động tiêu cực về mặt kinh tế hơn. So với Hoa Kỳ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại, vì vậy thuế quan khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn. Tổng thống Trump đã nghĩ đến điều đó khi ông nói rằng Trung Quốc sẽ “hết đạn trước”.

Theo các nhà kinh tế học tại đại học Bắc Kinh, đại học Phúc Đán và các trường đại học hàng đầu khác của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với thuế quan của Mỹ xuất khẩu sang Mỹ ít hơn, giảm việc thuê mướn lao động và chi tiêu ít hơn cho nghiên cứu và phát triển. Theo ước tính của Yang Zhou, một nhà kinh tế đại học Phúc Đán, về tổng thể, tổn thất GDP của Trung Quốc cao gấp ba lần Hoa Kỳ.

Thừa nhận rằng số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc có thể bị “thao túng và kiểm duyệt”, Davin Chor, nhà kinh tế học của đại học Dartmouth và nhà kinh tế Bingjing Li của đại học Hồng Kông đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh về bầu trời ban đêm ở Trung Quốc. Các khu vực công nghiệp chịu thuế quan ít phát sáng hơn các khu vực không chịu thuế, cho thấy hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm. Họ ước tính thu nhập bình quân đầu người giảm 2,5% ở các khu vực có thuế quan so với các khu vực không bị ảnh hưởng.

Chuan He của Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, Mingzhi Xu của Đại học Bắc Kinh và Karsten Mau của Đại học Maastricht viết: “Nhìn chung, cuộc chiến thương mại có tác động tiêu cực đến các công ty và công ăn việc làm tại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, tương tự như phía Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chiến tranh thương mại cũng đã mang tới cho họ những lợi ích chính trị quan trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý ký thỏa thuận về thuế quan giai đoạn 1 với Hoa Kỳ, bất chấp việc phía Hoa Kỳ chỉ giảm nhẹ thuế quan do Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách có mức độ ưu tiên cao hơn.

Bắc Kinh cho rằng thỏa thuận sẽ tạo đòn bẩy cho họ: Nếu Washington gây sức ép mạnh, Bắc Kinh có thể dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại. Khi Washington hành động để bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông vào mùa hè năm 2020 sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia trên phạm vi rộng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi chiến lược của họ là một thành công.

Charlene Barshefsky, cựu Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cũng cho rằng Bắc Kinh đã đi trước về mặt chính trị. Bà nói: “Họ đã không thay đổi mô hình kinh tế của mình”.

Ông Bown thuộc Học viện Peterson cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng trở lại mức trước chiến tranh thương mại, phần lớn nhờ vào việc xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi, những hàng hóa không bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thuế quan.

Nhìn chung, các quan chức Trung Quốc tin rằng chiến thương mại gây tổn hại cho Hoa Kỳ nhiều hơn so với Trung Quốc, chẳng hạn áp lực lạm phát gia tăng tại Mỹ do chính quyền nước này tăng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Lạm phát hiện đang là mối đe dọa lớn đối với chính quyền của ông Biden khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay. “Thuế quan là di sản độc hại của chính quyền Trump mà chính quyền của ông Biden nên xóa bỏ”, một quan chức thương mại cấp cao của Trung Quốc nói.

Cuộc chiến thương mại cũng thúc đẩy Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ - một mục tiêu lâu dài của Trung Quốc. Để đạt được điều đó, Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô của khối doanh nghiệp nhà nước – điều mà chính quyền Trump thúc ép nước này phải thay đổi.

Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các khoản trợ cấp - bao gồm tiền, các khoản vay có lãi suất thấp và đất đai giá rẻ - để cố gắng thống trị các ngành công nghệ cao. Ngoài các công ty nhà nước mà chính phủ thường giúp đỡ, năm ngoái Bắc Kinh đã cam kết chi ít nhất 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ hơn 1.000 công ty tư nhân là các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng. Năm ngoái Trung Quốc đã chỉ đạo các bệnh viện và các cơ quan nhà nước dành từ 25% đến 100% ngân sách mua sắm các mặt hàng công nghệ như thiết bị y tế và dụng cụ chẩn đoán hình ảnh từ các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều chịu những tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại thì một số quốc gia đang hưởng lợi không nhỏ trong cuộc chiến này; họ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ những mặt hàng mà Trung Quốc đã từng bán. Nhà sử học kinh tế Douglas Irwin của Dartmouth giải thích: “Bất cứ khi nào chúng tôi áp đặt thuế quan đối với một quốc gia nào đó thì các quốc gia khác cung cấp sản phẩm thay thế sẽ lại tăng tốc”.

Thời gian sẽ trả lời

Theo tính toán của Kearney, xuất khẩu hàng chế tạo của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2021 giảm hơn 50 tỷ USD so với năm 2018, do thuế quan làm tăng chi phí đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng thêm 50 tỷ USD.

Nhìn ở một góc độ khác, xuất khẩu hàng hóa chế tạo từ ​​14 quốc gia châu Á có chi phí thấp, bao gồm cả Trung Quốc, đã tăng 90 tỷ USD vào năm 2021 so với năm 2018. Việt Nam chiếm khoảng một nửa mức tăng đó.

Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Theo con đường của các quốc gia châu Á xuất khẩu khác, Việt Nam chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện cơ sở hạ tầng và hưởng lợi từ việc gần Trung Quốc về mặt địa lý và có nguồn nhân công giá rẻ.

Trước đây Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong những ngành sản xuất hàng xuất khẩu thâm dụng lao động như may mặc và đồ nội thất, nhưng giờ đây quốc gia này đã trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử, với các khoản đầu tư lớn của Intel Corp. và Samsung Electronics.

Trinh Nguyen, kinh tế gia của Natixis tại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: “Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội mà cuộc khủng hoảng mang lại. Chiến tranh thương mại là một trong những cuộc khủng hoảng như vậy”.

Alex Shuford, Giám đốc điều hành của RHF Investments Inc., một nhà sản xuất đồ nội thất ở Hickory, đã chuyển đơn hàng ghế da từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi thuế quan khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên quá đắt đỏ.

Theo Moody’s Analytics, một công ty dữ liệu thị trường, 46% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện là thiết bị điện tử, gấp ba lần so với trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra.

Xuất khẩu những mặt hàng có giá trị thấp như dệt may cũng gia tăng nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều. Tuy nhiên, những chuyển động nói trên không khiến Trung Quốc quá lo lắng. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã gấp rút thiết lập hoạt động tại Việt Nam.

Luxshare Precision Industry Co., nhà cung cấp linh kiện cho Apple Inc. và các công ty khác của Mỹ, là một trong nhiều công ty Trung Quốc viện dẫn thuế quan của Mỹ là lý do để họ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Năm 2019, Luxshare tuyên bố sẽ xây dựng 4 nhà máy tại Việt Nam. Cho đến nay, công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch chuyển một phần ba sản lượng sản xuất của mình sang Việt Nam.

Xu hướng này khiến các quan chức Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở chính của Luxshare lo lắng, bởi thu ngân sách của địa phương này trông cậy phần lớn vào các công ty công nghệ cao. Một quan chức Thâm Quyến cho biết: “Việc di dời năng lực sản xuất là một vấn đề lớn đối với chúng tôi”.

Thâm Quyến hiện đang tập trung nhiều hơn vào việc phát triển công nghệ trong nước để không phụ thuộc vào các nhà cung cấp Hoa Kỳ. Chính quyền địa phương này đang đưa ra các ưu đãi về thuế, vốn và các chính sách khác cho các doanh nhân, cùng với các khoản tài trợ hào phóng cho các trường đại học và các tổ chức khác để khuyến khích họ hợp tác với các doanh nghiệp và theo đuổi những công nghệ tiên tiến - những loại trợ cấp mà phía Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phải loại bỏ.

Ông Chor, nhà kinh tế học ở Dartmouth, người đã nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh về bầu trời vào ban đêm của Trung Quốc để tìm manh mối về tác động của cuộc chiến thương mại, nói rằng cuộc tranh luận xem ai thắng ai thua sẽ tiếp tục. Ông nói: “Chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau 25 năm hay 50 năm nữa”.

Ngọc Quang
Theo Wall Street Journal

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục