Ai đứng đằng sau các công ty con?

(ĐTCK-online)Trong thông báo của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE (REE) về việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thuỷ điện REE, nhà đầu tư chỉ thấy thông tin về REE góp 20% vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng của Công ty Thuỷ điện.

Những thông tin về việc REE góp vốn với ai, là cá nhân hay pháp nhân không thấy thông báo rõ ràng. Muốn tìm hiểu thông tin này, nhà đầu tư phải gọi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, nơi cấp giấp chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty cổ phần Thuỷ điện REE.

Tương tự, trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn Tân Tạo, việc Tân Tạo góp vốn thành lập các công ty con được cập nhật rất kịp thời, nhưng hầu như thông tin chỉ có một chiều là Tập đoàn góp bao nhiêu vốn, thành lập công ty trong lĩnh vực gì mà thôi.

Đáng nói, đây là hai công ty đại chúng tiêu biểu nhất hiện nay trong việc cung cấp thông tin, giao tiếp với nhà đầu tư. Nhưng những thông tin được công bố từ hai công ty này vẫn chưa thực sự thoả mãn nhu cầu thông tin của nhà đầu tư.

“Chúng tôi muốn biết họ góp vốn với ai. Các đối tác đó có đáng tin tưởng hay không?”, một nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Bảo Việt nói. Theo ông này, thiếu thông tin về đối tác mà các công ty đại chúng góp vốn thành lập công ty con thì cổ đông không thể đánh giá, kiểm soát hết rủi ro từ đầu tư tài chính vào các công ty con.

Hiện nay, theo phản ánh của một số nhà đầu tư, có hiện tượng, lãnh đạo công ty đại chúng hình thành từ công ty tư nhân cổ phần hoá trước đây, đang thành lập công ty con để từ đó rút ruột công ty mẹ, chuyển bớt lợi nhuận đáng ra công ty mẹ được hưởng sang công ty con. Ở công ty con, cá nhân lãnh đạo công ty mẹ hoặc người nhà nắm giữ số lượng lớn cổ phần.

Theo quy định pháp luật hiện nay, việc cá nhân lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trong công ty đại chúng góp vốn thành lập công ty con là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của một luật sư tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, các thông tin này nên công khai để cổ đông công ty mẹ được biết, vì việc sở hữu chéo như thế dẫn đến những rủi ro về quản trị nội bộ. Sẽ có sự mâu thuẫn về quyền lợi của công ty mẹ với cá nhân được tham gia góp vốn vào công ty con.

Như vậy, trong trường hợp lãnh đạo công ty đại chúng cũng tham gia góp vốn vào công ty con với tư cách cá nhân thì vấn đề kiểm soát nội bộ cần phải được tăng cường hơn. Và cổ đông cần biết rõ về những thông tin này.

Theo chuyên gia chứng khoán, giảng viên Đại học Ngân hàng Đặng Quang Gia, ở nước ngoài, loại hình doanh nghiệp holding company thì chỉ có công ty mẹ được phát hành cổ phiếu, còn công ty con không phát hành cổ phiếu. Báo cáo lời lỗ đều chuyển về công ty mẹ là công ty cổ phần.

Theo luật sư  Bùi Quang Nghiêm, kỷ luật thông tin vẫn là vấn đề của các công ty đại chúng hiện nay. Mặc dù đã có những quy định về công bố thông tin nhưng còn thiếu các quy định cụ thể về nội dung thông tin như thế nào, các yếu tố cấu thành nội dung thông tin. Thông tin của nhiều doanh nghiệp khi công bố vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi với  nhà đầu tư. Và trường hợp thông tin về việc đầu tư góp vốn thành lập công ty con, đầu tư vốn của các công ty đại chúng là một ví dụ.

Xuân Phương
Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục