Chưa rõ khách mua 10.000 tỷ đồng thoái vốn đợt I của VRG
Ngày 1/7 tới đây, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (công ty mẹ) sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), chào bán 25% vốn, ước tính thu 10.000 tỷ đồng. Ngoài việc bán 3% cổ phần ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên, số vốn còn lại, VRG đang tích cực làm việc với các đối tác để chào bán.
Theo các chuyên gia, hiện trên thị trường không có nhiều nhà doanh nghiệp nông nghiệp có tiềm lực vốn sẵn lên tới 5.000 - 10.000 tỷ đồng. Chưa kể, cao su là lĩnh vực khá đặc thù. Chính vì vậy, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong ngành với VRG khá khó khăn. Trong khi đó, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài cũng không đơn giản, bởi tuy đã phục hồi, song giá cao su vẫn khá bấp bênh.
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG cho biết, dù có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, song do lượng vốn thoái rất lớn, nên việc tìm nhà đầu tư chiến lược rất khó khăn.
“Hàng năm, Tập đoàn đều công bố thông tin về hoạt động cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển của mình để các nhà đầu tư nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã xây dựng tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính thực sự. Tuy nhiên, do vốn của VRG rất lớn, nên việc tìm cổ đông chiến lược khó có thể thực hiện ngay trong vòng 1 - 2 năm”.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện danh sách những nhà đầu tư quan tâm đã được VRG lựa chọn và trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song danh tính cụ thể của các nhà đầu tư này vẫn được VRG bảo mật.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp của bộ này cho biết, với trường hợp IPO VRG, Bộ đặc biệt quan tâm.
Thậm chí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phải “cầu viện” Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ tham mưu cho trường hợp này, đặc biệt là về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Món ngon không dễ xơi
Cổ phiếu nông nghiệp vốn không mấy hấp dẫn đối với nhà đầu tư, song với VRG, các thông số về kết quả và triển vọng kinh doanh khá hấp dẫn. Vì vậy, rất có thể, thương vụ IPO VRG sẽ là món hời với các nhà đầu tư.
Theo ông Hà Công Tuấn, ngành cao su mấy năm qua khó khăn về giá, song VRG vẫn “sống khỏe”. Năm 2016, lãi sau thuế của Tập đoàn đạt 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang quản lý quỹ đất rất lớn: 420.000 ha cao su, gồm 300.000 ha trong nước và 120.000 ha ở Lào và Campuchia.
Hơn nữa, giá cao su đang phục hồi, giao dịch ở mức 50 triệu đồng/tấn, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những điểm vô cùng thuận lợi cho quá trình IPO của tập đoàn này.
Lợi nhuận thu về khá tốt, song điều khiến nhiều nhà đầu tư phân vân là lãi thu về chủ yếu không phải ở mảng chính là mủ cao su, mà chủ yếu từ kinh doanh gỗ. Được biết, trong cơ cấu lợi nhuận của VRG, có 45% lợi nhuận thu về từ kinh doanh gỗ, sau đó mới đến mủ cao su.
Mảng kinh doanh mang về lợi nhuận lớn thứ ba là đầu tư các khu công nghiệp và cuối cùng là công nghiệp chế biến sản phẩm từ mủ cao su.
Hơn nữa, dù giá cao su đang phục hồi, song triển vọng của mặt hàng này vẫn chưa ổn định. Dự báo, giá cao su bình quân năm 2017 chỉ xoay quanh mức 40 triệu đồng/tấn.
Dù vậy, không thể phủ nhận lợi thế mà không doanh nghiệp nào có được của VRG là quỹ đất khổng lồ. Chính vì vậy, lãnh đạo tập đoàn này cho rằng, trong dài hạn, VRG có tiềm năng rất lớn khi khai thác quỹ đất này.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhắc nhở, sau cổ phần hóa, VRG phải chú trọng khai thác lợi thế đặc biệt của đất đai. Được biết, VRG đang vạch ra chiến phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Nếu “kén” được cổ đông chiến lược tiềm năng, chắc hẳn VRG sẽ khiến quỹ đất khổng lồ này hóa vàng.